Theo dân làng kể lại, một quả cầu lửa đã lướt ngang bầu trời Costa Rica vào ngày 23-4-2019, sau đó người dân địa phương phát hiện nhiều mảnh vỡ nằm rải rác giữa 2 ngôi làng Palmera và Aguas Zarcas. Khác với mọi thiên thạch từng được tìm thấy trên Trái Đất, những mảnh vỡ này khá mềm, giống đất sét cứng hơn là đá và có màu sắc cầu vồng đẹp mắt.
Những mảnh vỡ được đặt tên chung là "thiên thạch Aguas Zarcas". Ước tính khối thiên thạch ban đầu to cỡ chiếc máy giặt.
Các Aguas Zarcas thuộc về một lớp hiếm gọi là carbonaceous chondrites, làm bằng một loại vật liệu không giống bất cứ thứ gì trên Trái Đất, hình thành trong vài giờ sau khi Hệ Mặt Trời ra đời, vẫn được coi là một dạng đá không gian dù mềm dẻo. Vật liệu sự sống bên trong nó, cũng như toàn bộ thiên thạch cùng dạng hay tất cả những gì tạo nên Hệ Mặt Trời non trẻ, đều có nguồn gốc từ một nơi xa thẳm nào đó trong vũ trụ.
Những gì chúng ta thấy được hôm nay cũng đã rất khác so với ngày khối thiên thạch ra đời, bởi đã có những phản ứng hóa học nhất định xảy ra bên trong vật liệu trong suốt hàng tỉ năm nó lang thang và được chiếu sáng bởi Mặt Trời.
Theo tiến sĩ Joshua Sokol từ Trung tâm Nghiên cứu Thiên thạch thuộc Đại học Bang Arizona (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, tàn tích mềm của Hệ Mặt Trời sơ khai đầy những "khối xây dựng sự sống". Kết quả phân tích ban đầu cho thấy nó chứa các hợp chất carbon phức tạp, có thể bao gồm các axit amin (tham gia tạo thành protein và DNA). Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu và nghi ngờ rằng nó mang theo cả những khối cấu tạo phức tạp hơn nữa của sự sống.
"Đá cầu vồng" này được hình thành từ bụi của thiên hà Milky Way thuở sơ khai. Bạn bè của nó đã tham gia cấu thành nên các hành tinh của Hệ Mặt Trời, có thể bao gồm Trái Đất. Vì vậy, đây là một bằng chứng sống động nữa cho thấy sự sống trên Trái Đất thật ra có nguồn gốc ngoài hành tinh: tức các khối xây dựng sự sống Trái Đất thật ra do một thiên thể nào đó đưa đến, hoặc ít nhất được cấu thành bởi các vật liệu ngoài hành tinh.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Science.