Một người đàn ông tên Chu đến từ Phúc Châu, Phúc Kiến (Trung Quốc) chuyển khoản 1,8 triệu NDT (khoảng 6,1 tỷ đồng) đặt cọc mua một căn nhà. Tuy nhiên, sau đó ông phát hiện căn nhà đã bị bán cho người khác. Lúc này, ông lập tức báo cảnh sát và kiện chủ nhà ban đầu. Tuy nhiên, chủ ban đầu của ngôi nhà lại kiện ngược lại ông với lý do vu khống.
Ngay khi cảnh sát vào cuộc và phát hiện ra rằng, ông Chu thực tế không hề gửi tiền đặt cọc ngôi nhà cho chủ nhà ban đầu mà đã gửi cho một người khác. Cụ thể, cảnh sát cho biết, một người tự xưng là chủ nhà, cung cấp đúng tất cả thông tin của ngôi nhà và yêu cầu chuyển khoản tiền đặt cọc. Tuy nhiên, người này thực ra là giả mạo. Đáng chú ý, tài khoản email trao đổi về vấn đề mua nhà của ông Chu có dấu hiệu bị virus xâm nhập.
Sau khi lấy lời khai từ ông Chu, cảnh sát phát hiện ông có thói quen ra quán cafe làm việc và sử dụng WiFi công cộng. Một hôm, ông Chu đăng nhập WiFi công cộng và thấy máy tính của mình bất ngờ bị treo, ông không để ý nhiều liền khởi động lại máy và tiếp tục làm việc.
Cảnh sát cho biết, chính điều này là biểu hiện của virus xâm nhập máy tính. Khi virus xâm nhập vào máy tính, những kẻ lừa đảo có thể lấy đi thông tin mà ông lưu trữ. Do đó, những kẻ lừa đảo đã xâm nhập vào email của ông và lấy đi thông tin mà ông đã trao đổi với người bán nhà thật.
Ngay khi có được thông tin, những kẻ lừa đảo đã giả mạo chủ nhà và gửi email yêu cầu đặt cọc hoặc các khoản thanh toán liên quan để lấy lòng tin của nạn nhân. Đáng chú ý, những kẻ lừa đảo sẽ xem các bản liên lạc trước đó và bắt chước giọng điệu của người gửi, sau đó liên kết thông tin tài khoản của chính những kẻ lừa đảo và xóa email của người gửi thực.
Ngoài ra, cảnh sát cho biết, loại lừa đảo này thường xảy ra vào cuối tuần, vì nghiên cứu cho thấy mọi người cảm thấy thoải mái và cả tin nhất vào ngày cuối tuần. Khi biết được điều này, ông Chu cho biết, đúng là người bán nhà giả mạo luôn nói chuyện dồn dập với mình vào cuối tuần và thúc giục ông Chu chuyển tiền vào.
Các vụ lừa đảo giao dịch bất động sản thường liên quan đến số tiền rất lớn, công an nhắc nhở mọi người khi mua nhà hãy thực hiện những điều sau để tránh rơi vào bẫy lừa đảo: "Kiểm tra tính xác thực của tài sản, hãy kiểm tra kỹ thủ tục cấp phép của dự án; Kiểm tra thông tin nhận dạng người bán, chỉ những người có đủ tư cách pháp lý mới được bán nhà; khi nộp tiền đặt cọc phải ký hợp đồng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khỏi bị xâm phạm; tuyệt đối không nên mua nhà qua mạng, cần đến trực tiếp để xác thực".
Cùng với đó, mọi người cần tránh sử dụng hệ thống WiFi công cộng để xử lý email khi mua nhà . Những kẻ lừa đảo có thể dễ dàng xâm nhập vào các hệ thống Wi-Fi công cộng để tấn công. Đặc biệt, tránh đăng bài trên mạng xã hội về việc mua nhà hoặc vay tiền, kẻ lừa đảo có thể lấy được thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo.