Đã có thể phát hiện bệnh tự kỷ chính xác 100% nhờ AI

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng vào việc phát hiện bệnh tự kỷ ở trẻ em.

Theo BGR, đã có một bước tiến mới đầy hứa hẹn trong y học khi các nhà khoa học phát triển thành công hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng chẩn đoán tự kỷ ở trẻ em chỉ bằng cách chụp ảnh và phân tích đồng tử mắt của chúng. Khả năng chính xác của hệ thống này lên đến 100%, mở ra cánh cửa cho việc sàng lọc và chẩn đoán bệnh một cách sớm nhất.

Phương pháp sàng lọc dựa trên một kỹ thuật mới, cho phép truy cập thông tin về não bộ bằng cách nhìn vào đáy mắt, nơi võng mạc và dây thần kinh thị giác kết nối với đĩa thị. Trước đây, các nhà khoa học đã dùng kỹ thuật này để phát triển phương pháp chẩn đoán chấn động não nhanh chóng bằng cách chiếu tia laser an toàn vào võng mạc.

Hệ thống AI mới sử dụng nguyên lý tương tự và có kết quả ấn tượng trong giai đoạn thử nghiệm. Các nhà nghiên cứu đã kêu gọi 958 trẻ em tham gia nghiên cứu, với độ tuổi trung bình là 7,8 và đã có 1.890 hình ảnh đồng tử mắt được chụp lại. Một nửa trong số đó đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD), nửa còn lại là nhóm đối chứng được tuyển chọn theo độ tuổi và giới tính.

Có 85% hình ảnh võng mạc được dùng để huấn luyện AI giúp tạo mô hình chẩn đoán. Trong khi 15% hình ảnh còn lại được dùng để kiểm tra độ chính xác. Kết quả cho thấy, AI có thể phát hiện trẻ em mắc tự kỷ với độ chính xác 100%. Điều này cho thấy AI có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán tự kỷ ở trẻ em nhanh chóng và hiệu quả hơn, đặc biệt ở những khu vực thiếu bác sĩ tâm lý nhi khoa chuyên khoa.

Mặc dù chưa thể thay thế hoàn toàn việc chẩn đoán do con người thực hiện, thành công này đánh dấu một bước tiến lớn trong ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế. Hệ thống AI hứa hẹn khả năng chẩn đoán tự kỷ sớm hơn, từ đó cho phép can thiệp kịp thời và có biện pháp cải thiện cho trẻ mắc chứng rối loạn này.