Chỉ còn không đầy 4 tuần nữa – ngày 16/1/2020, vòng đời của Windows 7 sẽ chính thức chấm dứt khi Microsoft ngừng cung cấp các bản vá bảo mật cho hệ điều hành đã hơn 10 năm tuổi này. Điều này bắt buộc các doanh nghiệp phải cập nhật lên Windows 10, và chắc chắn sẽ kéo theo một khối lượng người dùng từ bỏ Windows 7. Đến một thời điểm nào đó, Windows 7 sẽ chết một cái chết tất yếu như Windows XP cách đây 5 năm.
Nhưng với những người hâm mộ công nghệ, Windows 7 sẽ mãi mãi giữ một vị trí quan trọng. Và đây là lý do vì sao.
Thế giới công nghệ có trò đùa rằng Microsoft thường sẽ đan xen các phiên bản Windows thành công với các phiên bản Windows dở tệ, và điều này hoàn toàn đúng với lịch trình từ 98 đến ME, XP rồi Vista. Nối tiếp thành công của XP, Vista thực sự là một thảm họa trên nhiều khía cạnh: hiệu năng, tính tương thích, bảo mật...
Ở phía ngược lại, Vista cũng mang đến một trải nghiệm có thể coi là tươi mới qua giao diện Aero. Người dùng Windows bởi thế phải chấp nhận một tình cảnh không mấy dễ chịu: ngắm nhìn trải nghiệm Vista "lơ lửng" trước mắt mà không dám cài đặt vì lo gặp lỗi.
Windows 7 là câu trả lời cho nỗi lo ấy. Trên tất cả, Windows 7 là một bản vá khổng lồ dành cho Vista. Những lời hứa đi kèm với Vista đã trở thành hiện thực, và vì thế không có gì khó hiểu khi Windows 7 được yêu quý ngay từ khi phát hành. Chỉ trong vòng 1 năm, doanh số Windows 7 đã lên tới 100 triệu đơn vị.
Rõ ràng, các vấn đề của Vista đã ngăn cản rất nhiều người dùng từ bỏ Windows XP, vốn cũng là một phiên bản rất được yêu quý. Điều này dẫn đến một tình trạng tất yếu: nhiều người chưa từng sử dụng Vista, thay vào đó cập nhật thẳng từ XP lên Windows 7. Ngày phát hành của 2 phiên bản (được yêu quý) này cách nhau tới 8 năm, nói cách khác, những người dùng XP đã phải chờ đợi quá lâu cho một trải nghiệm Windows vừa mới mẻ, vừa ổn định. Dấu ấn của Windows 7 với những người đã từng rất yêu quý XP vì thế càng đậm nét hơn nữa.
Vén màn vào năm 2009, Windows 7 nằm giữa giai đoạn giữa 2 loại hình thiết bị công nghệ quan trọng nhất của lịch sử hi-tech: trong những năm tiếp theo, smartphone sẽ thay thế PC để trở thành loại thiết bị công nghệ quan trọng nhất. Giới trẻ lớn lên trong khoảng thời gian này có thể sẽ bắt đầu cuộc sống số của mình bằng smartphone hoặc iPad thay vì với những chiếc PC cồng kềnh như trước kia.
Chính điều này đã biến Windows 7 trở thành biểu tượng của một thời đại công nghệ đã rời xa. Nếu ai đó nói với bạn rằng họ biết cài win, biết tháo ổ cứng hay lắp thêm RAM từ khi còn học cấp 2, rất có thể người đó đã lớn lên trong kỷ nguyên trước-smartphone, kỷ nguyên của Windows 7.
Với riêng người dùng công nghệ tại Việt Nam, Windows 7 đi kèm một thời đại đặc biệt: laptop giá "mềm" (dưới 10 triệu đồng) bắt đầu xuất hiện. Chiếc máy tính xách tay bắt đầu đi vào giảng đường, bắt đầu trở thành lựa chọn thay thế chấp nhận được cho PC để bàn. Và khi trải nghiệm máy tính trở nên cá nhân hơn, dễ tiếp cận hơn, quá trình phổ cập Internet vì thế càng được đẩy mạnh.
Bởi thế, Windows 7 cũng trở thành trải nghiệm PC cá nhân đầu tiên, trải nghiệm kết nối đầu tiên của rất nhiều người trong chúng ta.
Với các game thủ, Windows 7 còn mang một kỷ niệm đặc biệt khác: nhiều tựa game bắt đầu đòi hỏi 4GB để chạy mượt mà – điển hình là Grand Theft Auto IV. Windows 7 vì thế bất đắc dĩ trở thành hệ điều hành chứng kiến nhiều game thủ bắt đầu chuyển từ Windows 32-bit sang Windows 64-bit để có thể dùng đầy đủ 4GB RAM trở lên.
Theo đúng truyền thống đáng quên, Microsoft đã nối tiếp Windows 7 bằng một phiên bản dở tệ - Windows 8. Do quá tập trung vào tablet, Windows 8 loại bỏ Start Menu, thay thế nhiều ứng dụng quen thuộc bằng ứng dụng cảm ứng và thậm chí còn làm nặng máy người dùng qua Start screen chứa nhiều nội dung không cần thiết.
Đứng trước tình cảnh này, nhiều người đã chọn cách ở lại cùng Windows 7. Thậm chí, phải đến cuối tháng 1/2019 Windows 10 mới có thể lật đổ Windows 7 để trở thành phiên bản Windows phổ biến nhất thế giới. Như thế, với rất nhiều người, Windows 7 đã có hơn 7 năm gắn bó.
Chỉ đáng tiếc rằng hành trình gắn bó ấy rồi cũng phải đi đến hồi kết: khi bị dừng hỗ trợ vá bảo mật vào tháng 1 tới, Windows 7 sẽ trở thành miếng mồi ngon cho hacker – nói cách khác là một hệ điều hành nên tránh. Vĩnh biệt, Windows 7, nhưng xin cảm ơn vì những năm tháng đáng nhớ.