Ngày 29/8/2024 vừa qua, Binance và Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng (DSA) đồng tổ chức “Diễn đàn Đổi mới Đà Nẵng: Công nghệ Mới và Thành phố Thông minh: Tầm nhìn tương lai”. Tại phiên thảo luận “Xây dựng hệ sinh thái công nghệ vững mạnh tại Đà Nẵng”, các chuyên gia cũng đã chỉ ra lợi thế để Đà Nẵng xây dựng hệ sinh thái công nghệ vững mạnh trong tương lai.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Đặng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng (DSA) cho biết, Đà Nẵng là thành phố lớn nhất của miền Trung Việt Nam và là một trong năm thành phố lớn nhất của Việt Nam, đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây cũng là một trong những trung tâm viễn thông tiên tiến nhất trên toàn quốc với cơ sở hạ tầng đồng bộ và được thiết lập tốt cho kết nối quốc tế.
Kết nối trực tiếp với cáp ngầm Asia Pacific Gateway và Trạm cáp quang biển quốc tế (SEMEWE 3), tạo ra liên kết quốc tế tại Đà Nẵng, kết nối Việt Nam với gần 40 quốc gia ở châu Âu và châu Á. Hệ thống Cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin và Truyền thông tiêu chuẩn thế giới đang được sử dụng, bao gồm Mạng Khu vực đô thị (MAN), một Trung tâm Dữ liệu, Wifi Đà Nẵng, một Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Thông tin và một Trung tâm Đào tạo. Hệ thống "Chính phủ Điện tử, Công dân Điện tử, Doanh nghiệp Điện tử" đã được xây dựng nhằm biến Đà Nẵng thành một "Thành phố Điện tử" vào năm 2020.
Đà Nẵng đặt mục tiêu, đến năm 2030, phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của Việt Nam và Đông Nam Á và là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại và tài chính, logistics, công nghệ cao, CNTT, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.
Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, Đà Nẵng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bằng các chính sách ưu đãi hấp dẫn như miễn giảm thuế, hỗ trợ thuê đất, và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác. Các ưu đãi có thể kể đến như ưu đãi 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 15 năm kể từ năm đầu có thu nhập. Miễn thuế trong 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa nhập khẩu nhằm tạo tài sản cố định phục vụ sản xuất các sản phẩm và dịch vụ CNTT.
Song song với đó, Đà Nẵng cũng chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT. Hiện nay, Đà Nẵng đang có khoảng 38 cơ sở đào tạo về CNTT, với 5.700 sinh viên ra trường mỗi năm. Tính đến năm 2023, cơ cấu lao động trong lĩnh vực CNTT tại Đà Nẵng đang tập trung vào: Bán hàng & phân phối, Phần cứng và điện tử, Phần mềm, Dịch vụ CNTT, Nội dung số...với mức lương trung bình khoảng 700USD/tháng/người - 1200USD/tháng/người.
Nhận thấy Đà Nẵng có tiềm năng trở thành trung tâm bán dẫn của khu vực, ông Phúc Lê - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Bán dẫn và AI Đà Nẵng (DSAC) cho biết, năm 2023, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp chiến lược toàn diện, đây là một cơ hội để Việt Nam tham gia sâu vào ngành bán dẫn.
So với trước đây, Việt Nam chỉ tập trung vào sản xuất chip bán dẫn, nhưng hiện nay, chúng ta thay đổi cách tiếp cận, tận dụng thế mạnh nguồn nhân lực để tham gia vào khâu thiết kế và kiểm thử chip bán dẫn.
Toàn Việt Nam có khoảng hơn 5.500 kỹ sư bán dẫn, Đà Nẵng có hơn 600 kỹ sư, chiếm hơn 10% tổng kỹ sư bán dẫn cả nước. Với thế mạnh là nguồn nhân lực và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, Đà Nẵng sẽ tập trung khâu thiết kế chip bán dẫn.
Ông Chương Nguyễn - Quản lý Chương trình của Swiss EP Việt Nam và Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nhân Trẻ Đà Nẵng cho rằng, một trong những thế mạnh của Đà Nẵng là bộ máy lãnh đạo có tầm nhìn, tiên phong và có tinh thần kiến tạo.
Theo ông, năm 2014, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên thực hiện mô hình hợp tác công tư trên cả nước, chính quyền góp 20 tỷ, doanh nghiệp góp 12 tỷ, cùng nhau tìm ra các sản phẩm, mô hình, dịch vụ kinh doanh mới để tận dụng làn sóng internet và nền kinh tế số.
Sau 10 năm, lần đầu tiên Đà Nẵng lọt vào top 1.000 thành phố có chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp cao nhất trên toàn cầu cùng với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Theo ông Đức Nguyễn - Nhà sáng lập/Giám đốc điều hành tại Hekate, Đà Nẵng có ba lợi thế để phát triển thành hệ sinh thái công nghệ vững mạnh.
Cụ thể, Đà Nẵng là thành phố đáng sống với khung cảnh đẹp, không khí trong lành, góp phần cân bằng cuộc sống và nâng cao hiệu quả công việc, dễ dàng thu hút được nhân lực. Nơi đây phù hợp với các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu do ít cạnh tranh nhân sự với các công ty quốc tế, giúp ổn định, tập trung hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh đó, thành phố này cũng tiên phong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đi đầu về chip bán dẫn, được chính quyền hỗ trợ để thúc đẩy hệ sinh thái chung.
Bà Trang Trần - Nhà sáng lập/Giám đốc điều hành tại Enosta Group va Smartos chia sẻ, trong những năm gần đây, Đà Nẵng nổi lên với nhiều công ty công nghệ cùng nguồn nhân lực chất lượng. Nhưng để phát triển thành hệ sinh thái vững mạnh, cần định hướng theo mô hình cộng đồng trên toàn thành phố. Các doanh nghiệp cần bắt tay với nhau để tìm ra thế mạnh công nghệ của thành phố và phát huy tối đa giá trị của nhân lực.
Bà Trang Trần cho biết Đà Nẵng là thành phố đáng sống, đáng để làm việc và có sự năng động không kém so với các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Thách thức đặt ra là chính quyền và doanh nghiệp cần kết nối chặt hơn để xây dựng chính sách để thu hút nhân sự chất lượng từ các tập đoàn lớn và nước ngoài về làm việc tại Đà Nẵng, từ đó xây dựng cộng đồng công nghệ mạnh hơn để thu hút vốn đầu tư.