Nhắc đến tới cái tên"LG", chắc chắn điều mọi người nghĩ đến đầu tiên là các thiết bị gia dụng: điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, máy lọc không khí... Tuy nhiên, vào đầu năm nay, CEO của LG đã công bố kế hoạch biến tập đoàn Hàn Quốc này trở thành "Tập đoàn cung cấp giải pháp cuộc sống thông minh," với nhiều ngành hàng mới như phần mềm điều khiển, phần mềm giải trí, trạm sạc cho ô tô điện, hệ thống HVAC (điều hòa không khí) cho các tòa nhà lớn, và một lĩnh vực đáng nói khác: Sản xuất các giải pháp cho nhà máy thông minh.
Cụ thể, LG cho biết đã thành lập một bộ phận mới mang tên "Bộ phận Kinh doanh Nhà máy Thông minh", với mục tiêu cung cấp các giải pháp thông minh cho nhà máy của các thương hiệu khác. Đây không chỉ là cung cấp máy móc, mà LG còn đồng hành với doanh nghiệp từ bước lập kế hoạch, huấn luyện nhân công sử dụng thiết bị cũng như tối ưu hóa quy trình sản xuất dựa trên AI và công nghệ Digital Twin.
Digital Twin là một hệ thống mô phỏng toàn bộ thiết bị và hoạt động của nhà máy, giúp các nhà hoạch định có thể tối ưu hóa vị trí đặt thiết bị, máy móc để tối ưu hóa quy trình làm việc, từ đó giảm chi phí vận hành. Theo công bố từ LG, hệ thống này đã giúp giảm 70% lượng sản phẩm lỗi trong giai đoạn 2020-2021.
AI sẽ được sử dụng để phân tích thông tin thu thập từ các cảm biến đặt khắp nhà máy, giúp dự đoán những lỗi có thể gây hỏng hóc hoặc làm chậm quá trình sản xuất. Điều này cho phép người vận hành nhanh chóng khắc phục sự cố và tiếp tục sản xuất. Nhờ hệ thống này, LG đã giảm 50% thời gian phát hiện lỗi thiết bị và giảm 30% tỷ lệ lỗi trong sản phẩm cuối tại trung tâm LG Smart Park.
Tất nhiên, không thể bỏ qua phần cứng trong giải pháp này. LG đã sản xuất hàng loạt robot tự động và bán tự động có tích hợp tính năng thông minh dùng trong sản xuất công nghiệp. Trong chuyến tham quan khu trưng bày giải pháp Nhà máy Thông minh của LG, chúng tôi được chứng kiến các thiết bị tích hợp AI như: máy gắp linh kiện có khả năng nhận dạng hình dạng và vị trí đồ vật để chọn điểm lấy tối ưu (tránh rơi), máy lắp ốc cho máy giặt với khả năng phân tích góc xoay hợp lý (giúp lắp ráp hai bộ phận có lỗ lắp lệch nhau), và các thiết bị an toàn như camera phát cảnh báo nếu công nhân không đội mũ và mặc đồ bảo hộ, hay giải pháp dừng thiết bị bằng giọng nói trong trường hợp tai nạn.
Được biết, LG có thể cung cấp giải pháp này nhờ vào 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là trong sản xuất đồ điện tử gia dụng. Hiện nay, LG đã có 60 nhà máy trên toàn thế giới, trong đó tại Việt Nam có khu tổ hợp sản xuất tại Hải Phòng chuyên sản xuất thiết bị gia dụng, tấm nền và các linh kiện liên quan (LG Innotek). Hai nhà máy tại Tennessee (Mỹ) và LG Smart Park ở Changwon đã được chọn là "Nhà máy Hải Đăng" (Lighthouse Factory), áp dụng công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả hoạt động và tài chính.
Trong những năm gần đây, LG cũng đang tập trung phát triển các giải pháp AI, với giải pháp gần gũi nhất là ThinQ cho thiết bị nhà thông minh. Do đó, việc kết hợp hai thế mạnh này để tạo ra giải pháp cho các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong tối ưu hóa quy trình sản xuất là điều dễ hiểu.