Từ lâu giới khoa học đã củng cố lý thuyết rằng các tiền chất quan trọng cho sự sống Trái Đất đã được các sao chổi và thiên thạch mang đến khi địa cầu còn là một quả cầu nóng bỏng, để rồi những vật liệu sơ khai được nuôi dưỡng để phát triển thành muôn loài, bao gồm cả con người.
Theo SciTech Daily, nhóm khoa học gia đến từ Tây ban Nha, Nhật Bản, Chile, Ý và Mỹ đã xác định được một loạt các phân tử nitrile bên trong đám mây phân tử G + 0.693-0,027 nằm gần trung tâm Miky Way (Ngân Hà).
Nitrile là một loại phân tử hữu cơ nhóm cyano, độc hại với sinh vật Trái Đất hiện đại. Nhưng nó lại chính là tiền chất quan trọng cho các phân tử tiền sự sống trên Trái Đất, ví dụ như tham gia cấu thành RNA.
Theo tiến sĩ Victor M. Rivilla, từ Trung tâm Sinh học thiên văn của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha (CSIC) và Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ Quốc gia Tây Ban Nha (INTA), các quá trình hóa học diễn ra trong môi trường giữa các vì sao đích thị là "vườn ươm" cho nitrile.
Điều này sẽ phù hợp với lý thuyết "Thế giới RNA" đang được ủng hộ bởi giới khoa học, trong đó chỉ ra sự sống sơ khai chỉ dựa trên RNA, sau đó các enzyme protein và DNA mới dần hình thành sâu. RNA có thể thực hiện đồng thời chức năng xúc tác phản ứng như enzyme, đồng thời cũng lưu trữ và sao chép thông tin được như DNA, phù hợp để xây dựng sự sống sơ khai.
Chúng có thể đã được đưa đến Trái Đất khoảng 3,8 - 4,1 tỉ năm trước, giúp cấu thành những vi sinh vật đầu tiên, sau đó sự tiến hóa của địa cầu mới dần giúp các sinh vật sơ khai này phát triển thành muôn loài như ngày nay, bao gồm con người.
Đám mây phân tử G + 0.693-0,027 - rất có thể là cố hương của con người" - rộng tới 3 năm ánh sáng, khối lượng xấp xỉ 1.000 lần Mặt Trời, rất có thể tiến hóa để trở thành một vườn ươm sao trong tương lai.