Kể từ khi bắt đầu sử dụng smartphone cho đến nay, biên tập viên Tom Warren chưa bao giờ là một ‘fan cứng’ của Android. Là một người dùng trung thành của Apple, Tom Warren luôn cảm thấy thất vọng sau mỗi lần cố gắng chuyển đổi từ iPhone sang Android.
Theo biên tập viên của The Verge, hầu hết các mẫu smartphone Android anh sử dụng đều mắc phải những điểm trừ như tính năng điều hướng và hiệu ứng chuyển động rất kém, hay sự thiếu chăm chút về mặt trải nghiệm người dùng.
Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm Pixel 4 trong gần một tuần, biên tập viên này nhận định, chiếc smartphone mới nhất của Google đã cho thấy Android đang dần đi đúng hướng, mang đến cảm giác giống iPhone nhất từ trước đến nay.
Pixel 4 'học tập' iPhone từ mọi mặt?
Theo Tom Warren, Google đã thực hiện rất nhiều cải tiến, nâng cấp với Pixel 4 nhằm giúp mẫu điện thoại này hấp dẫn hơn trong mắt người dùng iPhone. Có thể kể đến như cơ chế điều hướng bằng cử chỉ, với các thao tác vuốt, thả tương tự như iOS. Thậm chí cơ chế điều hướng này giống như hệt như tính năng Apple từng vay mượn từ webOS để tích hợp trên iPhone X 2 năm về trước. Chẳng hạn, người dùng sẽ vuốt từ dưới lên trên để trở về giao diện Home, hay vuốt sang Trái/Phải thay thế cho nút Back.
Cùng với những thao tác cử chỉ mới, Google cũng trình làng một phiên bản ‘cây nhà lá vườn’ của Face ID - tính năng bảo mật sinh trắc học dựa trên nhận dạng khuôn mặt, được Apple đưa vào lần đầu trên iPhone X. Trong suốt quá trình thử nghiệm, biên tập viên Tom Warren đã nhận thấy tính năng này hoạt động khá ổn định và nhanh chóng. Thậm chí, tính năng này trên Pixel 4 còn hoạt động tốt hơn Face ID, vốn tự động bỏ qua màn hình khóa, mở luôn giao diện Home mà không yêu cầu người dùng phải chạm vào màn hình.
So với tính năng quét khuôn mặt của một số smartphone Android khác, tính năng Face Unlock của Google cũng được hoạt động tốt hơn đáng kể. Tính năng này hỗ trợ ứng dụng Google Pay, các ứng dụng thanh toán tài chính của các ngân hàng, hay các ứng dụng quản lý mật khẩu của bên thứ ba như 1Password. Mặc dù số lượng ứng dụng hỗ trợ Face Unlock chưa thực sự nhiều, tính năng này vẫn hoạt động trơn tru hơn nhiều so với các tính năng bảo mật bằng vân tay. Nói cách khác, cũng giống như FaceID, nó hoạt động đúng như những gì đã quảng cáo.
Bên cạnh đó, biên tập viên Tom Warren cũng dành lời ngợi khen dành cho các ứng dụng được cài đặt sẵn trên Android, vốn vượt trội đáng kể so với các ứng dụng được Apple cung cấp trên iOS. Có thể kể đến Google Photos tự động sắp xếp ảnh của người dùng, Chrome đồng bộ hóa tất cả dữ liệu duyệt web trên PC lẫn di động, hay Google Maps hoạt động chính xác hơn hẳn so với Apple Maps.
Đó là chưa kể đến, các mẫu smartphone Android giờ đây cũng có thể thực hiện việc đồng bộ hóa dữ liệu giữa điện thoại và máy tính nhờ tính năng Your Phone. Từ lâu nay, một trong những tính năng tuyệt vời nhất trong hệ sinh thái của Apple chính là khả năng đồng bộ hóa dữ liệu cá nhân của người dùng, vốn được luân chuyển nhịp nhàng giữa các thiết bị như iPhone, iPad và máy Mac. Với tính năng Your Phone, người dùng Android và PC giờ đây cũng có thể thực hiện điều tương tự. Đây chính là ưu điểm khiến một người dùng Apple lâu năm như Tom Warren cảm thấy ấn tượng.
Nhưng vẫn còn rất nhiều nhược điểm
Theo biên tập viên Tom Warren, những ưu điểm kể trên có thể thuyết phục anh chuyển sang sử dụng Android hoàn toàn. Tuy nhiên, Pixel 4 vẫn có những nhược điểm khiến biên tập viên ‘kiêm’ iFan này cảm thấy phiền toái.
Chẳng hạn, hệ thống điều hướng mới hoạt động tốt trong rất nhiều ứng dụng, nhưng vẫn còn số lượng lớn những ứng dụng không hỗ trợ thao tác vuốt – thả.
Cụ thể, thao tác vuốt trái phải sẽ được sử dụng nhằm thay thế cho nút "Back" quen thuộc. Tuy nhiên, trong một số ứng dụng như Gmail, thao tác này lại để mở thanh menu của ứng dụng. Điều này đã mang đến trải nghiệm khá khó chịu cho biên tập viên Tom Warren, vốn đã quen với thao tác cử chỉ trên iOS.
Bên cạnh đó, giao diện của Android vẫn chưa thực sự được chau chuốt về mặt trải nghiệm người dùng như iOS, đồng thời có sự thiếu nhất quán, theo nhận định của BTV Tom Warren. Chẳng hạn, các nút điều hướng trong rất nhiều ứng dụng như Play Store, Phone và Camera được đặt ở phía dưới màn hình để người dùng tiện sử dụng. Tuy nhiên, trong ứng dụng như Chrome, nút điều hướng lại để ở phía trên màn hình, khác hoàn toàn so với phiên bản trên iOS, vốn được đặt ở phía dưới để tiện cho người dùng thao tác bằng ngón cái.
Đồng thời, biên tập viên Tom Warren cũng chưa cảm thấy thỏa mãn với các hiệu ứng chuyển động của Android. So với phần hiệu ứng chuyển động mượt mà trên iOS, phần animation trên Pixel 4 nói riêng và Android nói chung vẫn khó có thể so sánh.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều nhược điểm, nhưng về tổng thể, Pixel 4 vẫn mang lại sự hứng thú cho Tom Warren sau một tuần sử dụng. Nhờ Pixel 4, biên tập viên này đã thực sự cân nhắc về việc chuyển sang dùng Android sau nhiều năm là fan trung thành của iOS.