Đó là siêu kính viễn vọng vô tuyến CHIME của của Canada, đang nhận nhiệm vụ chính là tìm kiếm các "chớp sóng vô tuyến" (FRB), tức dạng tín hiệu vô tuyến cực nhanh, cực mạnh mẽ có thể truyền từ thiên hà này đến thiên hà khác. Theo trình bày của nhóm điều hành CHIME tại cuộc họp lần thứ 238 của Hiệp hội Thiên văn Mỹ vừa diễn ra, trong số 535 nguồn tín hiệu này, có 18 nguồn đã lặp lại vài hoặc rất nhiều lần.
Theo MIT News, danh mục các chớp sóng vô tuyến mà CHIME ghi nhận được cho thấy các nguồn phát tín hiệu phân bổ khắp nơi trên bầu trời. Điều này đem đến một tin buồn cho giới thiên văn: nó làm thấp đi khả năng dạng tín hiệu vô tuyến mạnh mẽ này đến từ một nền văn minh ngoài Trái Đất.
Phân tích về các tín hiệu vô tuyến bí ẩn cũng cho thấy nếu chúng ta sử dụng một kính thiên văn mạnh hơn nữa, có thể phát hiện đến 9.000 chớp sóng vô tuyến mỗi ngày.
Tờ Science Alert dẫn lời nhà vật lý Kiyoshi Masui của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT – Mỹ), thành viên của nhóm điều hành CHIME: "Nếu mắt bạn có thể nhìn thấy các tia sáng vô tuyến giống như các tia chớp máy ảnh, thì bạn sẽ nhìn thấy chúng mọi lúc, chỉ cần nhìn lên bầu trời".
Các nhà khoa học tin rằng chớp sóng vô tuyến bí ẩn – thứ gây tranh cãi nhiều năm nay – có nhiều khả năng hơn xảy ra từ các sự kiện của vũ trụ: sáp nhập sao neutron, vụ nổ siêu tân tinh, va chạm lỗ đen...
Việc tìm ra nhiều chớp sóng vô tuyến và lập bản đồ chúng được kỳ vọng sẽ giúp kết nối chúng với môi trường vũ trụ mà chúng xuất hiện, từ đó tái tạo lại các hành trình, lợi dụng chúng để theo dõi các "vật chất mất tích" trong vũ trụ. "Chớp sóng vô tuyến có tiềm năng thú vị trở thành những "tàu thăm dò vũ trụ" mạnh mẽ trong tương lai" – nhà vật lý thiên văn Kaitlyn Shin, cũng là thành viên của MIT và nhóm điều hành CHIME, cho biết.