Tổng quan về phân khúc cao cấp tại Việt Nam
Tại thị trường Việt Nam, phân khúc smartphone cao cấp để lại phần nhiều cho hai tên tuổi lớn nhất: Samsung và Apple. Đây là hai thương hiệu mà mỗi khi nhắc tới những chiếc máy đắt tiền, nhiều người sẽ chỉ nhắc tới những chiếc máy của hai thương hiệu này là chính, cho chúng ta thấy được tầm ảnh hưởng của Samsung và Apple tại Việt Nam lớn tới mức nào.
Apple năm vừa rồi đã có một màn ra mắt iPhone 12 có thể nói là thực sự nhàm chán, bản thân dòng iPhone 12 năm nay cũng không mang tới nhiều yếu tố nổi bật thu hút người dùng
Tuy nhiên, trái với iPhone 12, dòng Galaxy S21 series năm nay đã làm tôi thực sự ấn tượng theo một cách tích cực nhất
Trước tiên cũng cần phải làm rõ ràng, tại thị trường Việt Nam, phiên bản Galaxy S21 Ultra được đánh giá là phiên bản đạt được nhiều sự quan tâm của người dùng nhất. Đây là tâm lý chung của đại đa số người dùng Việt khi chỉ lựa chọn phiên bản cao cấp nhất cũng như có màn hình lớn nhất. Điều này cũng xảy ra tương tự với đối thủ iPhone 12 Pro Max tới từ Apple. Chính vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này, tôi cũng sẽ chỉ tập trung chính vào những trải nghiệm và đánh giá chủ quan về chiếc Galaxy S21 Ultra, chiếc máy cao cấp nhất trong dòng S21-series năm nay.
Galaxy S21 Ultra về cơ bản là một phiên bản nâng cấp ở mức vừa phải so với thế hệ tiền nhiệm, do đó cũng dễ hiểu vì sao Samsung chỉ đặt tên sản phẩm với hậu tố "21" thay vì là "30". Tuy nhiên, chiếc máy này vẫn mang tới những điểm khiến tôi cảm thấy ấn tượng nhất, đặc biệt là xét trong phân khúc cao cấp không có quá nhiều sự lựa chọn như hiện tại.
Thiết kế: Thay đổi nhỏ nhưng tạo nên sự khác biệt
Nếu có dịp được trên tay cả Galaxy S21 Ultra và phiên bản tiền nhiệm Galaxy S20 Ultra, bạn sẽ thấy có hai điểm khác biệt chính giữa hai chiếc máy này: thiết kế cụm camera và mặt lưng nhám.
Galaxy S210 Ultra (trái) và Galaxy S21 Ultra (phải) với hai màu đen hoàn toàn khác biệt
Khác biệt đầu tiên tới từ camera, rõ ràng với thiết kế mới, Samsung đã "kéo" phần khung camera của máy ra tràn sang hai cạnh bên, tức là giờ đây, mô-đun camera sẽ được thiết kế liền một khối với khung viền kim loại. Cá nhân tôi thấy thiết kế này vừa có ưu điểm lại vừa có nhược điểm.
Ưu điểm là nó tạo nên một sự khác biệt rõ rệt so với phiên bản tiền nhiệm, ban đầu nhìn có thể thấy hơi thô, tuy nhiên nếu được cầm trên tay thì trông máy lại khá đẹp mắt theo kiểu "liền một khối". Còn nhược điểm là đôi khi chụp ảnh bằng ống kính góc siêu rộng, người dùng sẽ bị mất điểm tựa tay để nhận biết giới hạn giữa khu vực "có thể cầm được" với khu vực sẽ xuất hiện trong ảnh, bởi camera siêu rộng của Galaxy S21 series lấy ra góc ảnh cực rộng, đôi khi người dùng có thể bị vướng ngón tay vào khung hình. Tất nhiên, đây cũng không phải là một khuyết điểm quá lớn, bởi nếu bạn đã dùng quen Galaxy S21 một thời gian dài, bạn sẽ tự cảm nhận được đâu là khu vực nên để tay.
Đôi khi không để ý, bạn có thể đưa ngón tay vào khung hình camera góc siêu rộng. Điều này xảy ra với cả 3 chiếc Galaxy S21 bởi ống kính góc rộng được bố trí ở trên cùng (Ảnh: GenK)
Khác biệt thứ hai tới từ chất liệu hoàn thiện ở mặt lưng của máy. Khác với thế hệ tiền nhiệm với mặt lưng được làm từ kính bóng, cực kỳ bám mồ hôi và dấu vân tay, thì ở phiên bản năm nay, Samsung thiết kế mặt lưng của máy là dạng kính nhám mờ, khiến cho cảm giác cầm nắm được cải thiện, chắc chắn hơn khi cầm đồng thời cũng hạn chế việc bám dấu vân tay. Rõ ràng chỉ riêng về điểm này đã khiến Galaxy S21 Ultra "ăn điểm" trong mắt người dùng.
Ngoài ra, việc cầm nắm Galaxy S21 Ultra cũng cho trải nghiệm dễ chịu hơn hẳn khi so sánh với Galaxy Note20 Ultra bởi máy có thiết kế dạng bo tròn đều tay. Ở những lần đầu có thể bạn sẽ cảm thấy hơi nặng (máy nặng 227g), tuy nhiên một khi đã quen thì Galaxy S21 Ultra hoàn toàn nằm thoải mái trong lòng bàn tay.
Màn hình: Đã có 2K 120Hz
Màn hình của dòng Galaxy S và Note từ trước tới nay vẫn luôn được đánh giá "đỉnh của chóp" và khó đối thủ nào có thể cạnh tranh lại được, kể cả iPhone của Apple. Nếu như năm ngoái, người dùng có thể cảm thấy thất vọng bởi họ sẽ phải hi sinh hoặc là độ phân giải hoặc là tần số quét để đánh đổi một trong hai, thì ở năm nay, Samsung đã "chiều" người dùng hơn khi cho phép Galaxy S21 Ultra có thể vừa hiển thị ở độ phân giải cao nhất là QHD+ và vừa hiển thị ở mức tần số quét 120Hz, cho trải nghiệm thị giác tốt hơn hẳn so với thế hệ tiền nhiệm.
Màn hình QHD+ 120Hz là một nâng cấp cực kỳ đáng giá trên Galaxy S21 Ultra năm nay và nó khiến cho iPhone 12 của Apple phải "hít khói" vì chả có yếu tố nào có thể so sánh được với màn hình của chiếc máy này, cả về độ phân giải lẫn tần số quét
Nhìn chung, người dùng sẽ có được một trải nghiệm thị giác tốt nhất khi sử dụng Galaxy S21 Ultra, đặc biệt phù hợp với những nhu cầu giải trí như xem phim hay chơi game.
Camera: Vẫn là những gì tốt nhất
Điểm nhanh qua một chút về thông số camera của Galaxy S21 Ultra năm nay.
Thông số cụm camera Galaxy S21 Ultra:
- Camera chính: 108MP, f/1.8, tiêu cự quy đổi 24mm
- Camera góc siêu rộng: 12MP, f/2.2, tiêu cự quy đổi 13mm
- Camera tele zoom 10x: 10MP f/4.9, tiêu cự quy đổi 240mm (ống kính tiềm vọng)
- Camera tele zoom 3x: 10MP, f/2.4, tiêu cự quy đổi 70mm
- Camera selfie: 40MP, f/2.2, tiêu cự quy đổi 26mm
Nhìn vào thông số trên, có thể nhiều người sẽ thắc mắc Galaxy S21 Ultra khác gì so với S20 Ultra? Vẫn cùng 108MP, vẫn nhiều "lỗ" như nhau thôi mà? Tuy nhiên, khác biệt chính tới từ cảm biến bên trong cũng như thuật toán xử lý hình ảnh, đồng thời có một chút khác biệt về khả năng lấy nét và hệ thống chống rung.
Galaxy S21 Ultra sử dụng cảm biến 108MP thế hệ mới
Camera chính của Galaxy S21 Ultra sử dụng cảm biến ISOCELL HM3 108MP, được Samsung quảng cáo là cho khả năng lấy nét nhanh hơn khi kết hợp với cảm biến lấy nét laser tích hợp sẵn. Như vậy, so với thế hệ tiền nhiệm, Galaxy S21 Ultra đã khắc phục được nhược điểm về khả năng lấy nét. Ngoài ra, về chất lượng ảnh, máy cũng cho ra các bức ảnh với độ chi tiết nhiều hơn, HDR ngon hơn và khả năng chụp thiếu sáng tốt hơn.
Một số hình ảnh chụp từ Galaxy S21 Ultra, ở cả hệ thống camera chính phía sau và camera selfie phía trước.
Chưa hết, với Galaxy S21 Ultra, máy còn được trang bị thêm một loạt tính năng và chế độ độc đáo như: Chụp một chạm (Single Take), chụp 108MP/Pro Mode, chụp ảnh RAW 12-bit, quay video tua nhanh thời gian, quay chuyển động chậm, góc nhìn đạo diễn (director’s view) hay thậm chí là quay video ở độ phân giải 8K cực kỳ sắc nét… Điều này cho phép người dùng có thể thoải mái sáng tạo cũng như khai thác tối đa tiềm năng của camera trên Galaxy S21 Ultra ở các tình huống khác nhau.
Vân tay siêu âm nhanh nhất thế giới
Một trong những điều khiến tôi cảm thấy cực kỳ thích thú khi được trải nghiệm chiếc Galaxy S21 Ultra đó chính là cảm biến vân tay. Nếu như ở các thế hệ trước, cảm biến vân tay siêu âm cho trải nghiệm sử dụng không thực sự vượt trội về tốc độ so với cảm biến vân tay quang học thông thường, thì ở thế hệ S21 lần này, Samsung thực sự đã cho các đối thủ khác "hít khói" cả về mặt tốc độ lẫn độ chính xác.
Quả thực, trải nghiệm cảm biến vân tay trên dòng Galaxy S21 năm nay khiến cho bản thân tôi phải cảm thấy bất ngờ vì nó quá nhanh và nhạy, bạn chỉ cần chạm nhẹ vào khu vực cảm biến rồi lập tức nhấc ngón tay ra thôi là Galaxy S21 cũng đã nhận chính xác và mở khóa trong tức khắc. Khó có chiếc máy nào trên thị trường khiến tôi cảm thấy ấn tượng như Galaxy S21 về yếu tố này.
Gì cũng tốt, thế còn thời lượng pin thì sao?
Chúng ta thường nói "hiện đại thì hại điện". Galaxy S21 Ultra mang tới nhiều tính năng "xịn xò" là vậy thì liệu thời lượng pin có đủ đáp ứng người dùng ít nhất là trong 1 ngày làm việc? Năm nay Galaxy S21 Ultra giữ nguyên viên pin 5000mAh của thế hệ tiền nhiệm. Tuy nhiên, mặc dù được trang bị con chip Exynos 2100 5nm cho khả năng tiết kiệm năng lượng hơn, nhưng bù lại, máy lại có màn hình QHD+ 120Hz cũng tốn nhiều điện năng hơn.
Xét trên cùng các tác vụ sử dụng cơ bản của một người dùng: lướt web, Facebook, xem YouTube, chơi một vài trận Liên Quân, chụp ảnh ngày Tết… thì tới cuối ngày, chiếc Galaxy S21 Ultra của tôi còn 11% pin với tổng thời gian sáng màn hình là gần 5 giờ 30 phút.
Nhìn chung, đối với một người dùng cơ bản, không phải là game thủ "cày cuốc" theo dạng hardcore hay không thao tác các tác vụ quá nặng trong một thời gian dài thì Galaxy S21 Ultra hoàn toàn có thể đáp ứng vừa đủ trong một ngày dài sử dụng, vậy cũng là quá đủ rồi!
Còn về khả năng sạc pin, do Galaxy S21 Ultra chỉ hỗ trợ công suất sạc tối đa là 25W nên thời gian sạc đầy pin không thể nhanh như nhiều smartphone hỗ trợ sạc 50, 55 hay 65W. Thử nghiệm sạc pin cho thấy để sạc được 100% pin, Galaxy S21 Ultra mất khoảng 1 giờ 15 phút (từ 0 lên 100%), đây không phải là thời gian quá nhanh nhưng cũng không phải quá lâu. Với một người dùng cả ngày tối về sạc pin như tôi thì đây không phải là một vấn đề quá lớn.
Cần lưu ý là Galaxy S21 năm nay không được tặng kèm củ sạc nhanh 25W nên nếu bạn muốn sạc nhanh thì cần phải mua thêm củ sạc ngoài, hoặc tận dụng những củ sạc cũ. Hãy đảm bảo bạn sử dụng một củ sạc chính hãng Samsung nhé!
Tổng kết
Tựu chung lại, nếu để tìm một chiếc smartphone cao cấp hội tụ đầy đủ những yếu tố như: có thương hiệu lớn, thiết kế sang trọng, màn hình xuất sắc, camera đẹp, hiệu năng mạnh mẽ hay thời lượng pin đủ dùng thì rõ ràng Galaxy S21 Ultra là một cái tên khó có thể bỏ qua. Hiện nay, ngoài iPhone 12 Pro Max ra thì rất khó để kiếm được một chiếc máy có thể "ngồi chung mâm" với Galaxy S21 Ultra.
Galaxy S21 Ultra có thể không phải là chiếc máy tốt nhất thế giới ở tất cả các khía cạnh, nhưng đây là một chiếc máy có đủ những yếu tố để trở nên nổi trội hơn cả so với mặt bằng chung. Và trên hết, nó đủ thiết thực để đáp ứng được nhu cầu của phần lớn người dùng, từ người sử dụng phổ thông cho tới các game thủ hay các nhiếp ảnh gia di động… Đó mới thực sự tạo nên giá trị cho chiếc máy này, chứ không phải từ những thông số phần cứng khủng một cách hào nhoáng!