Kraken V3 chắc chắn là một trong những tai nghe thuộc top đầu về chất lượng nhờ khả năng tinh chỉnh khá tốt thời gian gần đây của các kĩ sư âm thanh Razer.
Về thiết kế, tổng thể Kraken V3 HyperSense vẫn giữ lại hầu hết các đặc điểm của dòng tai nghe này thời kì đầu. Vẫn là màu đen tổng thể với 2 cụm driver to tròn nổi bật. Một điểm thú vị là cụm logo kèm theo hiệu ứng led RGB cực đẹp được làm gọn gàng hơn nằm ở vị trí trung tâm khiến Kraken V3 HyperSense có vẻ ngoài tươi mới.
Chất lượng build tổng thể khó có thể chê được chú tai nghe này ở bất kể điểm gì khi phần gọng sử dụng kim loại chắc chắn. Đệm tai sử dụng vật liệu khá cao cấp mang lại trải nghiệm thoải mái khi đeo trong thời gian dài. Đây chắn chắn là một điểm đáng để khen ngợi khi so với những phiên bản như Razer Kraken Tournament Edition thì đã được cải tiến rất nhiều, mang lại độ tin cậy khi muốn sử dụng tai nghe lâu dài. Nhưng đây chưa phải là điều tuyệt vời nhất.
Tạm gác lại những trải nghiệm âm thanh, Kraken V3 HyperSense chắc chắn là một trong những tai nghe chơi game tuyệt nhất người viết từng được trải nghiệm. Không chỉ đáp ứng tốt những tiêu chí cơ bản của một tai nghe chơi game như khả năng tái tạo môi trường tốt, nghe tiếng chân tốt, Kraken V3 HyperSense còn mang tới những phản hồi xúc giác cực tinh tế.
Cơ chế phản hồi này dựa trên dải bass phát ra từ môi trường trong game hay thậm chí là bài nhạc đang chơi. Nói một cách đơn giản, HyperSense trên Kraken V3 chính là sự rung động trước các yếu tố giàu bass nhằm tạo nên những khoảnh khắc chân thực hơn. Thử nghiệm với những tựa game FPS phổ biến như CS:GO, COD, Battlefield, Kraken V3 HyperSense không chỉ mang tới âm trường sống động như tiếng đạn bay, tiếng bước chân thậm chí là vỏ đạn rơi cực đã tai mà các rung chấn từ vụ nổ hay độ giật của những khẩu súng đang xả đạn cũng được truyền tải trọn vẹn.
Đặc biệt, cơ chế HyperSense được tinh chỉnh rất tốt nên cảm giác mang lại khác hẳn những tai nghe rung rẻ tiền trên thị trường. Độ mạnh yếu của rung chấn có thể điều chỉnh dễ dàng thông qua phần mềm tích hợp được cài đặt ngay khi cắm tai nghe vào máy. Kết hợp với THX Spatial, hệ thống hỗ trợ âm thanh vòm 7.1 trên Kraken V3 HyperSense khiến cho những thanh âm chiến trường sống động hơn bao giờ hết.
Làm được việc đó không thể không nhắc tới driver âm thanh TriForce Titanium 50mm đã có mặt trong nhiều tai nghe chơi game gần đây của thương hiệu, chẳng hạn như Razer BlackShark V2. Những driver này mang lại một cảm giác thực sự ấm áp, bass đánh sâu và rõ ràng trong khi các dải khác được đánh cân bằng một cách hài hòa. Nhờ vậy nghe nhạc trên Kraken V3 HyperSense không phải là cơn ác mộng như nhiều tai nghe dòng “thủy quái” đã từng làm trước đó.
Dẫu vậy, Kraken V3 HyperSense cũng không hẳn là không có những điểm yếu. Đầu tiên phải kể đến việc chiếc tai nghe này sử dụng dây cắm cổng USB và buồn thay là độ dài của dây nối khá ngắn. Sẽ rất phiền khi muốn sử dụng Kraken V3 HyperSense để chơi các game console vì khoảng cách đặt máy thường khá xa màn hình.
Phần đệm tai khá bí và nóng nếu sử dụng trong thời gian dài cũng là một trở ngại đối với game thủ dùng Kraken V3 HyperSens "chinh chiến" trong môi trường nóng bức.
Micro cũng không phải điểm mạnh trên Kraken V3 HyperSense, âm thanh thu được có phần kém trung thực nhưng to và rõ ràng nên những cuộc đàm thoại trong game hay voice chat luôn được đáp ứng ở mức độ có thể chấp nhận được. Dẫu sao thì không hay cũng không phải vấn đề lớn lắm với một chiếc micro hướng tới những cuộc đàm thoại coop của game thủ.
Điểm cuối cùng cần lưu ý là mức giá lên tới hơn 3 triệu đồng của Kraken V3 HyperSense chắc chắn cũng sẽ là một rào cản đưa chiếc tai nghe này tới được với đại đa số game thủ.
MỤC LỤC [Hiện]