Nhắc đến LG, phần lớn người dùng, trong đó có mình vẫn thường nghĩ đến những chiếc TV, máy giặt và smartphone... Nhưng có lẽ tất cả chúng ta đã nhầm, LG còn sản xuất cả những thiết bị âm thanh như loa thùng, loa di động và cả tai nghe nữa.
LG ngoài sản xuất TV thì còn có cả tai nghe nữa đấy
Và cũng tiếp tục là một sự may mắn nữa khi mình có cơ hội cầm trên tay chiếc tai nghe true wireless được xem là flagship của LG ở thời điểm hiện tại với tên mã là TONE Free FN7. Đây là sản phẩm hội tụ đủ những công nghệ hiện đại nhất mà một chiếc tai nghe không dây có thể sở hữu như khả năng chống ồn chủ động, chuẩn kháng nước IPX4 và đặc biệt là một trang bị mà chỉ xuất hiện trên những chiếc tai nghe LG, mình sẽ nói về nó chi tiết ngay bên dưới thôi.
Dông dài thế đủ rồi, giờ đi vào chi tiết những điểm mình đánh giá cao, cũng như những điểm thật sự làm mình khó hiểu trên chiếc LG FN7 này nhé!
Thiết kế
Điểm đầu tiên làm mình bất ngờ khi mới mở hộp chiếc TONE Free FN7 đó chính là kích thước hộp sạc vô cùng nhỏ gọn của nó.
Dù đã sử dụng qua rất nhiều sản phẩm tai nghe true wireless trên thị trường, từ những mẫu giá rẻ của Padmate đến các sản phẩm flagship như Sony WF-1000XM3 hay gần đây nhất là Sennheiser Momentum TWS 2. Tuy có chất âm rất ấn tượng và khả năng chống ồn cũng ở mức đỉnh cao, nhưng điểm yếu chết người của những tai nghe này, đó là hộp sạc quá cồng kềnh. Theo mình, đây cũng là lý do chính khiến những sản phẩm này trở nên yếu thế trước ông vua true wireless - Apple AirPods.
Hộp sạc được thiết kế dạng tròn, nhỏ nhắn như một chiếc bánh Macaron
Nhưng ở chiều hướng ngược lại, một hãng không quá sừng sỏ về thiết bị âm thanh như LG lại thể hiện sự tinh tế của mình khi thiết kế ra một hộp sạc chỉ bé bằng một chiếc bánh Macaron, kết hợp với kết cấu hoàn toàn tự nhựa, TONE Free FN7 nổi bật hẳn so với các đối thủ trong cùng tầm giá cả về mặt kích thước lẫn cân nặng.
Nhắc đến vật liệu, LG đã khôn khéo sử dụng nhựa nhám để làm vỏ hộp, điều này mang vừa là ưu, đồng thời cũng là nhược điểm của FN7. Điểm mạnh lớn của vật liệu nhám đó là nó rất khó xước, mình đã để chiếc tai nghe này trong túi quần cùng với chìa khoá, thẻ giữ xe, hộp quẹt và ti tỉ thứ khác, nhưng vẫn không thể để lại bất kỳ vết xước nào trên vỏ hộp của chiếc tai nghe này. Còn điểm yếu thì sao? Nó bám mồ hôi, dấu vân tay.
Phần vỏ hộp của FN7 bám rất nhiều mồ hôi, dấu vân tay và cả bụi nữa
Hai chiếc tai nghe trong hộp sạc lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nó thiết kế giống AirPods, đúng như vậy. Cũng được làm từ nhựa bóng rất dễ vệ sinh.
Phần tai nghe làm từ nhựa bóng cũng bám mồ hôi, dấu vân tay nhiều không kém
Có một điểm yếu là phần ống dẫn âm (air nozzle) của FN7 được thiết kế khá to, là một người có phần ống tai ngoài lớn và thông thường mình phải sử dụng đến những eartips size M, nhưng với chiếc tai nghe này, mình buộc phải thay xuống size nhỏ nhất để có thể cố định nó lên tai.
Như đã nói ở trên, việc hộp sạc nhỏ và nhẹ là điểm mạnh rất lớn của TONE Free FN7, đặc biệt là đối với hội chị em bánh bèo, cùng với đó là cơ cấu mở hộp sạc giống như một hộp phấn trang điểm lại càng làm nó thu hút hơn trong mắt phái yếu.
TONE Free FN7 có thiết kế quá to so với kết cấu tai của người Việt Nam nói chung và hội chị em nói riêng
Tính năng
Bù lại cho thiết kế, những tính năng có trên TONE Free FN7 lại thể hiện một bộ mặt hoàn toàn ngược lại.
Đầu tiên là về phần thao tác điều khiển, thay vì tích hợp nguyên một bề mặt cảm ứng chạy dọc theo thân tai nghe, LG lại chỉ trang bị vùng cảm ứng cho FN7 gọn gàng bên trong một phần khung hình ô-van hơi nhô ra. Ban đầu sẽ hơi khó thao tác một chút, nhưng sau khi sử dụng quen, thì sẽ rất thoải mái, không lo chạm nhầm nữa. Bên cạnh đó, âm báo điều khiển cũng nghe rất "sang", hơn hẳn chiếc tai nghe có giá gấp 3 lần đến từ Sennheiser mà mình đang sử dụng.
Hệ thống điều khiển trên FN7 thông minh và rất dễ làm quen
Tiếp đến là khả năng chống ồn, tuy không thể xuất sắc như WF-1000XM3 chứ đừng nói đến là có thể so kè với AirPods Pro, nhưng những gì TONE Free FN7 làm được cũng đủ làm mình ấn tượng, nó triệt tiêu được gần như hoàn toàn những âm thanh nền như tiếng xe cộ, tiếng người nói chuyện và dù chưa có cơ hội thử nghiệm nhưng mình khá chắc nó cũng sẽ khử tiếng ồn từ động cơ máy bay tốt không kém.
Một điểm đáng khen nữa của FN7 đó chính là tính năng xuyên âm hoạt động cực kỳ tự nhiên, những lúc không nghe nhạc với chế độ này đang được kích hoạt, bạn sẽ gần như quên rằng mình đang đeo tai nghe luôn.
Tính năng chống ồn lẫn xuyên âm hoạt động đều rất ổn
Cuối cùng trong phần tính năng là một trang bị chỉ xuất hiện trên các tai nghe LG, đó là khả năng khử khuẩn tai nghe bằng tia cực tím hay còn gọi là tia UV. Nhắc đến đây thì mình cũng phải dành lời khen cho đội ngũ làm sản phẩm của nhà sản xuất Hàn Quốc.
Cụ thể, khi bạn mở nắp hộp sạc của FN7, sẽ có một phần đèn màu xanh tím sáng lên khoảng vài giây, sau đó tắt đi. Đã có lúc mình chắc mẩm đây chính là tính năng khử khuẩn độc quyền của nó. Nhưng đây là một "cú lừa". Thứ nhất, 2 chiếc đèn xanh tím kia là đèn trang trí và nó chả có tác dụng khử khuẩn gì cả.
Phần đèn màu xanh tím này là một "cú lừa" đấy
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là LG đang lừa chúng ta. Trên thực tế, trong dải quang phổ, tia cực tím nằm trong dải bước sóng mà mắt con người không thể nhìn thấy được, nên dù cho nó có hoạt động hay là không thì bạn cũng như mình, hoàn toàn không thể trông thấy được.
Đây mới thật sự là phần đèn UV khử khuẩn này
Và sau một hồi "ngâm cứu" cuốn sách hướng dẫn sử dụng thì mình mới nhận ra sự thật rằng tính năng này chỉ thực sự hoạt động khi người dùng cắm sạc chiếc tai nghe. Lúc này đèn báo UV Nano sẽ bật sáng, toàn bộ bề mặt của hộp sạc sẽ nóng lên trông thấy trong khoảng 10 phút, chứng tỏ tính năng khử khuẩn này có hoạt động.
Khi cắm sạc, đèn UV Nano sẽ sáng lên báo hiệu việc khử khuẩn đang được diễn ra
Theo thông tin từ LG thì tính năng này sẽ giết 99,9% vi khuẩn tồn tại trên phần eartips cũng như phần lưới âm. Quả là một tính năng đáng để các ông lớn khác phải học hỏi.
Chất âm
Nếu không sở hữu một đôi tai quá khắt khe thì TONE Free FN7 sẽ là một chiếc tai nghe với chất âm khá dễ chịu.
Nó không giàu chi tiết, cũng không có âm bass giàu động lực, kiểu tiếng của FN7 khá cân bằng ở cả 3 dải cao, trung và trầm, điều này sẽ là điểm mạnh đối với những người dùng nghe nhiều thể loại nhạc, vì dù cho bạn có mở một bản EDM sôi động của Martin Garrix hay một bản Thành Phố Buồn trứ danh của Chế Linh thì chiếc tai nghe này vẫn đều thể hiện rất ổn, ở mức trên trung bình.
Chất âm của FN7 không quá nổi bật nếu so với các đối thủ cùng tầm giá
Còn nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc tai nghe có thể giúp bạn nghe được tiếng kèn saxophone réo rắt trong bản By The Time This Night Is Over của huyền thoại Kenny G hay tiếng trống kick đầy nội lực từ ca khúc Believer của Imagine Dragons, thì không, FN7 không làm được chuyện đó đâu.
Kết luận
Có thể bạn sẽ thắc mắc một chút về vấn đề pin, nhưng sau 3 ngày trải nghiệm mà chưa một lần vắt kiệt sức được FN7, mình tin đây sẽ là một lựa chọn tốt nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc tai nghe true wireless để "cày cuốc".
Theo mình, LG TONE Free FN7 với những gì nó sở hữu sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường true wireless hiện tại
Còn để kết luận. Đối với mình, với mức giá khoảng 2,7 triệu đồng, LG TONE Free FN7 sở hữu cho mình những điểm mạnh đáng chú ý như thiết kế nhỏ gọn, chất âm cân bằng, chống nước IPX4, khả năng chống ồn hoạt động ổn định, thao tác điều khiển thông minh và đặc biệt là có đèn UV khử khuẩn, thứ chưa từng xuất hiện trên bất kỳ sản phẩm tai nghe true wireless nào trước đây.
Nó sẽ là lựa chọn sáng giá nếu như bạn đang tìm kiếm một chiếc tai nghe có thể cân bằng tất cả mọi nhu cầu
Về những nhược điểm, FN7 có phần tai nghe khá to, cảm giác đeo rất khó chịu, phần vỏ làm bằng nhựa không chắc chắn, bám nhiều mồ hôi và dấu vân tay. Đặc biệt là sự "lươn khươn" khi trang bị phần đèn led trang trí gây hiểu nhầm nữa. Đó là những lý do mà mình quyết định sẽ không tậu chiếc tai nghe này. Còn nếu như bạn đang dùng iPhone, AirPods chắc chắn là một lựa chọn hợp lý hơn rất nhiều.