Có lẽ trong thời gian gần đây, Samsung đang áp dụng chiến thuật 'đã không làm thì thôi, đã làm thì phải tới bến' với thị trường smartphonetầm trung. Chỉ khoảng 6 - 7 tháng trước thôi, hãng ra mắt A30 và A50 là những sản phẩm đầu tiên của thế hệ Galaxy A mới, thì đến nay bộ đôi kế nhiệm A30s và A50s đã được ra mắt.
Chiếc Galaxy A50s đã có bài đánh giá chi tiết, và được coi là một phiên bản nâng cấp đủ lớn để người dùng quan tâm. Vậy sản phẩm 'đàn em' Galaxy A30s thì sao, có phải là một chiếc smartphone tầm thấp / trung đáng đầu tư hay không?
Cũng giống như A50s, Galaxy A30s được 'khoác lên bộ áo mới', với phần mặt lưng 1 màu nhưng có các đường cắt để tạo điểm nhấn. Có phần thì hơi mờ (matte), có phần thì lại bóng (glossy), với phần bóng còn có thể chuyển màu khi đưa ra nắng hoặc những nguồn sáng mạnh. Loại nhựa được hãng sử dụng khá là bám tay, không cho cảm giác trơn trượt nên cho cảm giác rất 'tự tin' khi sử dụng.
Mặt lưng đổi màu khi ra nắng của Galaxy A30s
Mặt lưng này không còn cảm biến vân tay nữa (lý do tại sao chỉ một lúc nữa bạn sẽ hiểu), mà chỉ có cụm 3 camera mà thôi. Cụm camera này tăng về cả lượng lẫn chất, bao gồm một camera chính 25MP (tăng từ 16MP), camera góc siêu rộng 8MP (đã tăng 3MP) và thêm một cảm biến để đo chiều sâu nữa.
Thời gian gần đây Samsung đã chỉnh lại thuật toán hình ảnh, nên những ảnh chụp từ Galaxy A30s đã không còn bị quá cháy sáng, quá đậm ở tất cả các màu nữa nên tạo cảm giác dịu mắt hơn. Đôi khi ảnh vẫn bị ngả về màu xanh dương, nhưng mình vẫn có thể sử dụng phần mềm hậu kỳ để chỉnh lại một cách dễ dàng.
Đổi qua lại giữa các tiêu cự camera của Galaxy A30s
Camera góc rộng của máy thuộc thế hệ cũ, nên độ nét cũng như khả năng xử lý dải ánh sáng (DR) kém hơn 1 bậc so với những loại được áp dụng vào các dòng máy cao cấp như S10, Note 10. Galaxy A30s cũng không có camera zoom (tele), nên mỗi khi phải chụp xa ta sẽ phải zoom từ cảm biến chính, cũng vì vậy mà giảm chất lượng ảnh. Nhưng cả ảnh zoom xa và zoom gần đều đủ chất lượng để đăng web, và ta cũng không nên đòi hỏi quá nhiều ở một dòng máy tầm trung.
Các cổng kết nối không có thay đổi gì so với A30, bao gồm cổng USB Type-C hỗ trợ sạc 15W và 3.5mm. Hiện tại Samsung đã phát triển ra chuẩn sạc 25W và thậm chí 40W, nên 15W ở những dòng sản phẩm tầm trung này đã không còn được gọi là 'nhanh' nữa rồi, song cũng hữu dụng trong những lúc máy sắp cạn pin, mà bạn cần phải dùng ngay.
Lật mặt trước, ta tìm thấy một màn hình AMOLED 6.4 inch, với tất cả những ưu điểm mà loại màn hình này đem tới: màu đen rất sâu do có thể tắt được hoàn toàn một số điểm ảnh, màu sắc đậm đà hơn đáng kể so với màn hình LCD. Tấm nền được hãng sử dụng cho A30s cũng đúng màu hơn rất nhiều so với những đối thủ cùng tấm giá (thường bị ngả về màu xanh dương rất nhiều).
Màn hình có một vết cắt dạng Infinity-U để đặt camera selfie 16MP f/2.0, giúp cho nó có thể chạm được rất sát tới viền trên. Ngược lại thì máy vẫn có một chút 'cằm' ở cạnh dưới, nhưng mình vẫn cho đây là một mặt trước sạch sẽ, kèm theo đó là việc có thêm cạnh viền dưới cũng giúp những cử chỉ vuốt điều hướng trên OneUI trở nên thoải mái hơn, ta không bị chạm tay vào những cạnh sắc.
Tốc độ cảm biến vân máy của máy khá tốt
Lý do tại sao A30s không có cảm biến vân tay ở mặt lưng giống sản phẩm tiền nhiệm A30 đó là thành phần này đã được đưa xuống dưới màn hình. Đây là chính là cảm biến được áp dụng vào Galaxy Tab S6 và Galaxy A50s, cho tốc độ đọc nhanh và chính xác hơn nhiều so với thế hệ cũ được sử dụng ở A50.
Màn hình này thật tuyệt vời phải không? Nếu tất cả những ưu điểm được nêu ra ở trên đã 'đưa bạn lên mây', thì thông số tiếp theo sẽ đưa bạn lại xuống đất: tấm nền được sử dụng trên Galaxy A30s chỉ có độ phân giải 720p (720 x 1560). Đây là một quyết định khó hiểu của Samsung, khi sản phẩm tiền nhiệm A30 đã có màn hình AMOLED FullHD+ (1080 x 2340)!
Với những ai chưa từng sử dụng màn hình độ phân giải cao, thì chắc chắn sẽ quen với Galaxy A30s sau một thời gian sử dụng. Nhưng những ai đã được 'sờ' vào smartphone với độ phân giải FullHD trở lên thì sẽ lập tức thấy màn hình này bị 'rỗ', nếu tới gần thì thậm chí còn có thể thấy được từng điểm ảnh. Mọi thứ còn tệ hơn khi tấm nền AMOLED do cách sắp xếp điểm ảnh nên lúc nào cũng cho cảm giác độ phân giải thấp hơn màn LCD, nên 720p trên AMOLED nhìn còn 'rỗ' hơn cả 720p LCD.
Cấu hình cũng không tiếp tục là điểm sáng của Galaxy A30s. Máy được trang bị vi xử lý Exynos 7904 (tiến trình 14nm) do chính Samsung sản xuất, hỗ trợ bởi 3/4GB RAM cùng 32/64GB bộ nhớ trong. Đây là cấu hình được 'mượn' hoàn toàn từ chiếc Galaxy A30, và theo mình là thuộc hàng thấp khi so với những dòng máy tầm trung khác.
Đo điểm hiệu năng từ vi xử lý Exynos 7904
Điểm hiệu năng của Exynos 7904 thấp hơn cả Qualcomm Snapdragon 660, một con chip tầm trung đã cũ được sử dụng bởi rất nhiều những dòng máy của hãng khác. Điều này đồng nghĩa với việc Galaxy A30s đôi khi vẫn 'chậm một nhịp' ở các thao tác thông thường, và thực sự yếu thế khi vào những tác vụ nặng như game.
Với những ai chỉ sử dụng máy để nghe gọi, lướt web thông thường thì có lẽ A30s sẽ đáp ứng được, nhưng những ai đã trải nghiệm các dòng máy tầm cao hơn thì sẽ nhận ra được sự khác biệt một cách rõ rệt. Khi vào game, Galaxy A30s sẽ có hiệu năng cao hơn A30 vì...độ phân giải của màn hình thấp hơn. Nhưng mình sẽ muốn hãng nâng cấp cả 2 thành phần này sau đó tăng giá sản phẩm, hơn là 'cái thì giữ cái thì giảm' như hiện nay!
Một 'ưu điểm bất đắc dĩ' nữa trên Galaxy A30s, đó là do màn hình độ phân giải giảm xuống, cấu hình chỉ dừng lại ở mức vừa đủ dùng thì máy có thời lượng pin rất tốt. Với viên pin 4000mAh, máy luôn luôn cho thời lượng sử dụng qua được 1 ngày, thậm chí qua được đến tận ngày thứ 2 với những người sử dụng máy tiết kiệm pin.
Lời kết
Là một smartphone dòng A thế hệ mới của Samsung, chiếc Galaxy A30s có một vài điểm 'đáng thích', ta có thể kể tới mặt lưng đẹp một cách sang trọng, màn hình Infinity-U chiếm được nhiều diện tích mặt trước, tấm nền AMOLED cho màu đen sâu, các màu sắc khác đậm đà, cảm biến vân tay dưới màn hình cho cảm giác hiện đại và giao diện OneUI sạch sẽ, dễ dùng.
Nhưng 2 điểm rất quan trọng với người dùng là màn hình và cấu hình lại bị hãng 'cắt giảm' hơi mạnh tay, đến mức có ảnh hưởng tới trải nghiệm thực tế. Như đã nói trong bài nhiều lần, những điểm trừ này sẽ không trở thành vấn đề với những người sử dụng máy ít, hoặc chưa được trải nghiệm những smartphone tầm cao, nhưng còn với những người khác có lẽ việc tích thêm tiền để nâng cấp (ít nhất là lên chiếc Galaxy A50s) là điều cần thiết!