Với sự ra mắt của thế hệ CPU Coffee Lake mới nhất của Intel, các nhà sản xuất phần cứng cũng phải chạy theo thế hệ vi kiến trúc mới toanh của gã khổng lồ công nghệ. Hệ quả là, mỗi hãng phần cứng máy tính cũng như game đều đang chạy đua để tung ra những mẫu bo mạch chủ chipset Z370 với mục đích không chỉ phục vụ cho cộng đồng hâm mộ phần cứng mà còn cả game thủ Việt nữa.
Và nhân vật chính của bài viết ngày hôm nay là Z370 Aorus Gaming 7, phiên bản mainboard high end hướng tới cộng đồng game thủ cao cấp tại nước ta, không chỉ phục vụ khả năng chơi game hoàn hảo mà còn phục vụ cả nhu cầu stream lẫn thẩm mỹ của một hệ thống máy tính cao cấp, vốn là một trong những nhu cầu rất quan trọng của cộng đồng game thủ thời gian qua bên cạnh phần cứng phải đủ khủng để chơi được mọi game đỉnh trên đời.
Lần đầu tiên gặp gỡ Z370 Aorus Gaming 7, chúng tôi nhận ra triết lý thiết kế của chiếc bo mạch chủ này không khác biệt nhiều so với người anh em mới ra mắt hồi giữa năm 2017 vừa qua cũng của thương hiệu Gigabyte, chiếc mainboard dành cho thị trường HEDT mang tên Aorus X299 Gaming 9.
Những hình dáng tản nhiệt chipset hầm hố, cứng cáp vẫn được giữ lại, và điều tuyệt vời hơn cả là những chi tiết tạo nên thành công cho các sản phẩm của Gigabyte 1 năm trở lại đây vẫn còn đó: Đèn LED RGB Fusion, khe cắm RAM cũng có đèn xen kẽ, các cổng giao tiếp DDR4 hay PCI Express được bọc kim loại bảo vệ phần cứng, và quan trọng hơn cả chính là heatsink tản nhiệt cho ổ cứng SSD M.2 ở slot kết nối ngay phía dưới socket 1151 V2 mới toanh mà các bạn có thể nhìn thấy ở hình trên, cũng như hình dưới đây:
Thậm chí bây giờ, tản nhiệt chipset còn được trang bị luôn cả một chiếc quạt tản nhiệt xinh xinh giấu ở bên trong, ngay gần vị trí các cổng kết nối input output của main:
Các bạn có thể thấy, mọi vị trí trên chiếc bo mạch chủ này đều được trang bị đèn LED nền. Thậm chí với phần mềm driver của Gigabyte, bạn còn có thể kiểm soát màu sắc của đèn LED, cho chúng chạy đồng hành với những dải đèn LED mua ngoài, hoặc những bộ phím chuột RGB được đóng mác Aorus, ví dụ như Aorus K7, chiếc bàn phím cơ mới ra mắt chẳng hạn.
Về mặt thiết kế, thay đổi ấn tượng nhất so với dòng sản phẩm Z270 năm ngoái chính là sự hiện diện của chip DAC ESS9018Q2C và chip giải mã codec Realtek ALC1120. Gigabyte quảng cáo rằng, output của cổng âm thanh 3.5 mm phía sau chiếc bo mạch chủ này lên được tới 121 dB, nghĩa là đủ sức kéo chay những chiếc tai nghe khó tính nhất. Nhưng về cơ bản thì chất lượng âm thanh của nó tốt tới đâu, chúng ta sẽ phải chờ đến khi có những đánh giá chi tiết nhất trong ít ngày tới đây.
Ở gần 4 slot cắm RAM là IC phục vụ nhu cầu Overclock CPU của game thủ. Với IC này, việc overclock sẽ trở nên dễ dàng và an toàn hơn bao giờ hết cho những game thủ thích vọc và "khám phá". Còn bản thân những khe cắm RAM này cũng hỗ trợ những bộ RAM có tốc độ nhanh nhất thị trường hiện nay, ví như Corsair Dominator 4.000 MHz hay tối đa là 4.133 MHz.