Một số liệu thống kê vào năm ngoái về số người chết trong các tai nạn ngoài ý muốn khi selfie đã khiến dư luận giật mình: Trong số 259 vụ tử vong vì selfie từ năm 2011-2017, có tới gần 1 nửa xảy ra tại Ấn Độ, đạt tỷ lệ cao nhất thế giới. Xếp sau Ấn Độ là các quốc gia như Nga, Mỹ và Pakistan. Lý do chính dẫn đến những tai nạn thảm khốc này là chết đuối, bị xe/tàu đâm phải hoặc ngã từ độ cao chí mạng.
Dẫu vậy, con số trên cũng chỉ là tương đối tính tới thời điểm đó, bởi còn rất nhiều vụ việc khác chưa được báo cáo và ghi nhận, hoặc có nhưng thuật ngữ "chết vì selfie" đôi khi lại không được công nhận là nguyên nhân để ghi vào hồ sơ. Hơn nữa, những trường hợp có gặp tai nạn nhưng... không tử vong cũng bị bỏ qua, chẳng hạn như câu chuyện về thanh niên tên T Siva sống sót sau khi cố gắng quay phim và selfie trước đoàn tàu, sau đó bị tông thẳng vì đứng quá gần vào tháng 1 năm ngoái.
Siva và cảnh ngay trước khi bị tàu tông phải.
Vì sao xu hướng selfie mạo hiểm gây tai nạn lại xảy ra nhiều nhất tại Ấn Độ?
Một trong những lý do lớn nhất dẫn tới số lượng chết vì selfie nhiều tại Ấn Độ là bởi đất nước này sở hữu dân số khá trẻ, tỷ lệ dân dưới 30 tuổi cao và họ thường xuyên có thói quen selfie theo nhóm đông người. Vì vậy, khi có bất trắc xảy ra, nhiều khả năng cả nhóm sẽ chịu ảnh hưởng cùng lúc, đồng thời rất khó để trở tay kịp thời khi đứng thành cụm đông hơn bình thường.
Chuyên gia nhân chủng học Jolynna Sinanan tại Đại học Sydney, người đã bỏ công nghiên cứu hành vi mạng xã hội bấy lâu nay, thừa nhận văn hóa thị giác ở Ấn Độ vẫn ảnh hưởng và thu hút sự quan tâm hơn hẳn nhiều quốc gia khác. "Không cần phải là quảng cáo hay giải trí công phu, người dân nơi đây nói chung luôn luôn thích nhìn những hình ảnh trên Internet ở nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, họ dần yêu thích việc selfie và khoe nó lên cho bạn bè xem hơn những cách tương tác khác trên mạng xã hội."
Dĩ nhiên, điều gì cũng có mặt trái của nó khi không được kiểm soát và nhìn nhận đúng cách. Trong một vụ tai nạn xảy ra vào tháng 7 năm ngoái khiến 3 người thương nặng và mất máu ngay trên đường Ấn Độ, một nhóm người đi qua đã thản nhiên lấy đó làm phông nền để selfie làm "kỷ niệm". Cầm chiếc smartphone trên tay, thứ duy nhất họ quan tâm là một bức ảnh đem về, không mảy may bấm nổi số điện thoại gọi cứu thương hay trợ giúp.
Hình ảnh phản cảm khiến thế giới phẫn nộ khi người này selfie trước khung cảnh 3 người khác đang thương nặng trên đường.
Vẫn biết selfie là một cách để thể hiện hình ảnh bản thân và tăng sự tin của mình, nhưng những bằng chứng này đã cho thấy nó dần trở thành một dấu hiệu biến tướng tại Ấn Độ. May mắn thay, dần dần giới quan chức đã bày tỏ sự quan tâm nghiêm túc với tình trạng trên, ban hành các lệnh cảnh báo cho 16 tụ điểm nguy hiểm ở Mumbai, cấm selfie để tránh tai nạn rủi ro xảy ra không lường trước. Không chỉ những danh lam thắng cảnh du lịch, ngay cả những khu đường ray hay trung tâm thương mại cao tầng cũng là nơi cần được để tâm ngay từ bây giờ. Thậm chí, một ứng dụng có tên Saftie cũng được phát triển cho smartphone để tự động phát hiện địa điểm selfie nguy hiểm, cảnh báo tới người dùng khi họ đang ở gần.