Như chúng tôi đã giới thiệu trong bài viết trước đây, chúng tôi đã thử nghiệm chip CPU tầm giá cao hơn i5 8400, đó là i5 8600K. Với mức giá 6,4 triệu Đồng, nó chỉ rẻ hơn so với Core i7 8700 và 8700K mà thôi. Tuy nhiên điều tốt là, với chữ "K" ở cái tên, bạn có thể ép xung chiếc CPU này một cách thoải mái chứ không bị gò bó với con số 4.3 GHz turbo boost mặc định nữa.
Tuy nhiên khi ấy, mọi phép thử đều sử dụng những linh kiện có sẵn, chỉ thay đổi mainboard và CPU để thử nghiệm game. Trong khi đó những streamer tại Việt Nam, những người đôi khi có hầu bao không mấy dư dả gì, thì việc xây dựng một case máy tính chơi game với kinh phí dưới 30 triệu Đồng phục vụ nhu cầu stream và cast những game đỉnh tại nước ta giờ đây không hề khó khăn, với sự hiện diện của đời CPU Coffee Lake của Intel.
Dưới đây là cấu hình chi tiết:
CPU: Intel Core i5 8600K 3.6 GHz - 6.399.000 VNĐ
Mainboard: MSI Z370 Gaming Plus LGA 1151v2 - 4.268.000 VNĐ
RAM: Adata 16GB 2x8GB DDR4 2400MHz - 3.420.000 VNĐ
VGA: MSI GTX 1060 Armor 6GB OC - 7.690.000 VNĐ
SSD: Adata SP920 128GB - 1.370.000 VNĐ
HDD: Western Digital Purple 1TB 84MB Cache - 1.390.000 VNĐ
Tản nhiệt nước: IDCooling FrostFlow 240L AIO - 1.699.000 VNĐ
Nguồn máy tính: Antec Neo Eco II 550W - 1.350.000 VNĐ
Tổng giá: 27.586.000 VNĐ
Đầu tiên cần phải giải thích cho sự hiện diện của tản nhiệt nước AIO thay vì tản nhiệt stock của CPU Core i5 này. Để chơi game thực sự mượt mà và stream không có gián đoạn, bạn rất nên ép xung con CPU 6 nhân này từ 3.6 GHz lên 5.0 hoặc 5.2 GHz. Khi ấy quạt tản nhiệt đi kèm với chiếc hộp của Intel sẽ không còn tác dụng nữa. Và gọn nhẹ, êm ái và mát mẻ nhất là những chiếc tản nhiệt nước AIO, ấy là chưa kể giá của chúng cũng tương đối ổn cho những streamer với hầu bao không mấy dư dả. Và thực tế, tông màu đỏ đen của cả chiếc mainboard cùng bộ tản nước cũng khá là hợp tông:
Kết quả thử nghiệm không khác nhiều so với những con số trước đây chúng tôi có được với hệ thống mainboard MSI Z370 Gaming Pro Carbon AC. Tuy nhiên với sự hiện diện của GTX 1060 thay vì GTX 1080 Gaming X, Hitman phải được hạ xuống thiết lập đồ họa Medium High, còn PUBG phải hạ xuống thiết lập đồ họa Low Medium, với hiệu ứng đổ bóng ở thiết lập Very Low để không khiến phần cứng phải làm việc quá căng thẳng.
Đối với Hitman, ngay cả ở một cảnh game trong khán phòng có cả trăm người, FPS vẫn hơn 100, và khi stream game, tài nguyên máy không phải chia sẻ để làm cùng lúc 2 tác vụ, dẫn tới trải nghiệm game mượt nhất có thể cho các streamer lẫn người xem, không ai bị giật lag cả. Còn PUBG, một tựa game đòi hỏi sức mạnh đồ họa thay vì chỉ đơn thuần dựa vào CPU, thì 8600K lại được sử dụng để chia 2 nhân xử lý phục vụ OBS hoặc Xsplit, những phần mềm stream game trực tiếp lên các kênh như Twitch hay YouTube.
Ở thiết lập đồ họa Medium Low, PUBG trông giống như thế này
Ở thiết lập đồ họa thấp, may mắn là game vẫn chạy ở tốc độ từ 80 đến 110 FPS tùy khu vực đông nhà cửa hay không, còn ở hòn đảo trước khi nhảy dù, FPS chỉ dao động ở mức 50 vì có cả trăm người đang cùng đứng cạnh bạn. Tuy nhiên chừng đó đã là quá đủ để cho rằng 8600K là một CPU hoàn hảo cho cả giới game thủ nói chung và streamer nói riêng với khả năng xử lý game mạnh hơn hẳn 7700 thế hệ cũ, sau khi ép xung.