Điện thoại "cục gạch" vẫn chiếm gần nửa thị trường
Mặc dù không được quảng bá rộng rãi và đa dạng về mẫu mã như smartphone, nhưng điện thoại phổ thông – feature phone, hay điện thoại cục gạch – vẫn được người dùng Việt Nam ưa chuộng, luôn duy trì lượng bán ra chiếm khoảng 40%.
Thống kê cho thấy người dùng ưa thích việc mua điện thoại cục gạch bằng hình thức trực tuyến hơn. Dù vậy thì với mức giá chỉ loanh quanh trên dưới 1 triệu đồng nên mặc dù chiếm thị phần đáng kể nhưng doanh thu của feature phone kém rất xa so với smartphone: theo thống kê của GfK thì tỉ lệ doanh số của feature phone/smartphone trong tháng 9/2019 là 4,7%/95,3%.
Hầu hết điện thoại cơ bản có mức giá dưới 500 ngàn đồng (chiếm khoảng 80%), tiếp đến là từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng và cuối cùng là từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.
Người dùng lựa chọn feature phone cũng đặc biệt ưa thích tính năng hỗ trợ 2 SIM trên những “cục gạch” này. Theo GfK thì cứ khoảng 10 người mua feature phone vào tháng 9/2019 thì sẽ có đến gần 8 người chọn máy có hỗ trợ 2 SIM. Do nhu cầu này nên hầu hết các sản phẩm feature phone có mặt tại Việt Nam đều chú trọng trang bị tính năng 2 SIM trên các máy.
Thương hiệu Nokia của HMD Global vẫn là thế lực số 1 ở điện thoại cơ bản. Cụ thể là trong thống kê 20 mẫu điện thoại “cục gạch” có doanh số hàng đầu tại Việt Nam thì thương hiệu Nokia của công ty Phần Lan đã chiếm hơn một nửa. Và rõ ràng về mặt doanh số thì Nokia – qua các thống kê xuyên suốt từ tháng 01/2018 đến nay luôn giữ vững tỉ trọng từ trên 50% đến 70%.
Giảm thị phần liên tiếp nhưng Apple vẫn là một trường hợp đặc biệt
Đối với thị trường smartphone thì phân khúc được quan tâm nhất vẫn là tầm giá từ 3 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng, tiếp đến là phân khúc từ 6 đến dưới 10 triệu đồng với số lượng máy bán ra chiếm tỉ trọng lớn trong tổng doanh số.
Tuy vậy nếu xét về mặt doanh thu thì smartphone ở phân khúc cao cấp trên 10 triệu đồng lại xứng đáng được gọi là “con gà đẻ trứng vàng” hơn bởi mặc dù số lượng máy bán ra khiêm tốn so với các phân khúc còn lại nhưng doanh thu lại tương đương, có thể chỉ cần bán ra một máy cao cấp đã gần với doanh thu của nhiều máy ở tầm giá thấp hơn.
Khách đang dùng thử smartphone tại một siêu thị di động. Ảnh: Hải Đăng
Phiên bản bộ nhớ trong được lựa chọn phổ biến trên các smartphone được bán ra tại Việt Nam hiện nằm trong khoảng từ 16GB đến 32GB. Và nếu so sánh với năm 2018 thì mức chuẩn dung lượng bộ nhớ trong của smartphone đã tăng lên rất nhanh từ mức phổ biến 8GB đến 32GB thì nay đã có sự gia tăng lên mức 16GB đến 64GB. Và hiện các mẫu smartphone có bộ nhớ trong “khủng” từ 128GB đến hơn 256GB đã xuất hiện nhiều với cả phân khúc tầm trung.
Nền tảng di động phổ biến tại Việt Nam cũng không khác biệt với thế giới khi chứng kiến cuộc đua song mã giữa iOS của Apple và Android của các nhà sản xuất smartphone còn lại. Trong đó thị phần của Android hoàn toàn chiếm ưu thế với hơn 90%.
Với kênh bán hàng trực tuyến Internet thì người dùng chọn mua thiết bị chạy iOS cao hơn một chút so với kênh truyền thống. Tuy nhiên, do Android có sự dàn trải về phân khúc giá trong khi các sản phẩm chạy iOS có sự tập trung ở tầm giá từ 9 triệu đồng trở lên, vì vậy doanh thu của iPhone cũng thể hiện sự vượt trội hơn mặc dù số lượng bán ra của các smartphone Android thực sự áp đảo.
Đa số người dùng Việt Nam duy trì tâm lý ưa chuộng smartphone có màn hình càng lớn càng tốt. Điều này được thể hiện qua doanh số vượt trội của những smartphone có kích thước màn hình lớn hơn 5 inch. Nhưng nếu xét về doanh thu thì smartphone có màn hình từ 4 đến 5 inch vẫn chiếm tỉ trọng lớn hơn. Có thể chính Apple với những iPhone 6s, iPhone 7, iPhone 8 với cỡ màn hình 4,7 inch cùng mức giá bán ra khá cao đã góp phần đẩy mạnh doanh thu của phân khúc smartphone màn hình nhỏ gọn này.
Hiện tại ngoại trừ Apple vẫn duy trì số mẫu smartphone có màn hình dưới 5 inch thì hầu hết các nhà sản xuất còn lại đã dịch chuyển lên mức trên 5,5 inch thậm chí trên 6 inch. Điều bất ngờ là ở kênh bán hàng trực tuyến thì người dùng vẫn chuộng smartphone có màn hình từ 4 inch trở xuống vốn là kích thước hiếm gặp trên các smartphone mới ra mắt gần đây.
Dù thông qua kênh bán hàng truyền thống hay trực tuyến thì Samsung và Oppo vẫn là hai cái tên phổ biến xuất hiện nhiều nhất trong danh sách 20 mẫu smartphone bán chạy nhất tại Việt Nam.
Nếu như Oppo là cái tên được chọn với những sản phẩm dưới 8 triệu đồng từ A5s, F11 Pro… thì Samsung nhiệt tình chinh chiến trên nhiều mặt trận từ mức bình dân của Galaxy A10 (3 triệu đồng) đến Galaxy Note 10+ (hơn 25 triệu đồng)…
Trong khi đó các tín đồ của điện thoại quả Táo lại chuộng mua iPhone bằng hình thức trực tuyến hơn, và họ thường chọn mua iPhone 7 Plus, iPhone X 64GB và iPhone XS Max 64GB khi dạo chợ trực tuyến.
Về doanh số bán ra, trong khi Samsung và Oppo duy trì thị phần ổn định và chiếm đa số thì các thương hiệu còn lại đã cho thấy sự đổi ngôi: Apple đang bị thu hẹp dần về thị phần trong khi Redmi (Xiaomi) đang tăng.
Với kênh bán hàng trực tuyến (Internet) thì Samsung vẫn duy trì doanh số ổn định trong khi Oppo chiến tỉ trọng bán qua kênh online kém hơn đáng kể. Và việc bán hàng trực tuyến cũng mang tới hiệu quả giúp cho Apple, Redmi nâng cao doanh số đáng kể so với kênh phân phối truyền thống.
Cụ thể là vào khoảng tháng 8 và 9/2019 thì thị phần từ kênh trực tuyến của Apple đã hơn gấp đôi so với kênh bán hàng truyền thống. Xét về mặt doanh thu do các sản phẩm Apple thường tập trung vào tầm giá cận cao cấp đến siêu cấp nên đã mang về cho thương hiệu quả táo doanh thu nổi bật mặc dù số máy bán ra kém xa so với Samsung hay Oppo.
Trên kênh bán hàng Internet vào tháng 6/2019 thì giá trị doanh thu của Apple thậm chí chiếm đến 42,4% tương đương với thị phần trong tháng của Samsung và Oppo cộng lại, số lượng máy bán ra trong thời gian này của Apple chỉ hơn 1/2 số lượng máy bán ra của Samsung (17,5% so với 33,9% thị phần).