Không chỉ là công ty cung cấp các thiết bị công nghệ hàng đầu thế giới, Apple từ lâu đã tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dùng với các tính năng mà họ đưa vào sản phẩm của mình. Trước đây, tính năng sức khỏe thường tập trung vào Apple Watch, nhưng tại sự kiện "It’s Glowtime", Apple đã nâng khả năng theo dõi sức khỏe lên một tầm cao mới, khi tích hợp những khả năng hỗ trợ thính giác vào AirPods Pro 2.
Chúng ta đã biết Apple Watch có khả năng theo dõi sức khỏe tiên tiến, đồng bộ hóa liền mạch với ứng dụng Health (Sức khỏe) trên iPhone, cung cấp cho người dùng cái nhìn chi tiết về dữ liệu sức khỏe của họ, ví dụ như theo dõi nhịp tim, theo dõi giấc ngủ, nồng độ oxy trong máu, tần số thở, hay chứng ngưng thở khi ngủ vừa được giới thiệu tại sự kiện vừa qua.
Apple giới thiệu tính năng phát hiện chứng ngưng thở khi ngủ tại sự kiện It’s "Glowtime"
Các thành viên trong gia đình có thể thông báo cho nhau về tình trạng sức khỏe của mình thông qua chia sẻ dữ liệu, điều này đặc biệt hữu ích đối với trẻ em hoặc người lớn, những đối tượng thường dễ gặp vấn đề sức khỏe nhưng lại khó tự nhận biết.
Apple cũng tích hợp một số biện pháp bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ như thời gian dưới ánh nắng Mặt trời hay khoảng cách an toàn mắt khi nhìn vào màn hình, thế nhưng các tính năng này đều dành cho Apple Watch và iPhone, trong khi công ty vẫn còn một thiết bị nữa gắn liền với thói quen sử dụng thường ngày của nhiều người và có tiềm năng lớn trong việc theo dõi sức khỏe.
Đã đến lúc AirPods "tỏa sáng"
AirPods là tai nghe không dây phổ biến nhất đối với người dùng Apple và cũng là thiết bị rất thích hợp để hỗ trợ các tính năng theo dõi thính giác. Các tin đồn về việc Apple phát hành khả năng trợ thính đã xuất hiện từ khá lâu, và tại sự kiện "t’s Glowtime", Apple đã ra mắt chức năng sức khỏe thính giác cho AirPods Pro 2, kết hợp khả năng bảo vệ thính giác, kiểm tra và hỗ trợ trong cùng một thiết bị. Công ty cho biết AirPods Pro 2 sẽ trở thành thiết bị bị trợ thính được chứng nhận bởi FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ).
Tính năng Bảo vệ thính giác (Hearing Protection) mới được thiết kế để giảm thiểu mức độ tiếp xúc của người dùng với tiếng ồn môi trường lớn. Tận dụng chip H2, khả năng này sẽ chủ động giảm âm thanh lớn, có khả năng gây nhiễu cao với tốc độ 48.000 lần mỗi giây.
Tính năng này được thiết kế để hoạt động trên tất cả các chế độ nghe, đảm bảo thính giác người dùng được bảo vệ trong các bối cảnh như hòa nhạc hoặc sự kiện thể thao trong khi vẫn duy trì được tính toàn vẹn của âm thanh mà họ đang nghe. AirPods Pro có đầu tai bằng silicon cũng góp phần giảm tiếng ồn thụ động.
Loạt tính năng bảo vệ thính giác được Apple trang bị cho AirPods Pro 2
AirPods Pro 2 cũng sẽ có tính năng Kiểm tra thính lực (Hearing Test) được xác thực về mặt khoa học. Theo Apple, bài kiểm tra này sử dụng phép đo thính lực đơn âm (pure-tone audiometry), một phương pháp tiếp cận lâm sàng tiêu chuẩn, để đánh giá khả năng nghe. Người dùng sẽ có thể hoàn thành bài kiểm tra này chỉ trong vài phút bằng AirPods Pro 2 kết nối với iPhone hoặc iPad. Kết quả của bài kiểm tra được lưu trữ trong ứng dụng Sức khỏe (Health), cho phép người dùng chia sẻ hồ sơ thính lực của họ với bác sĩ nếu cần.
Theo Apple, đây là lần đầu tiên tính năng kiểm tra thính lực có thể tiếp cận dễ dàng như vậy thông qua các thiết bị cá nhân được sử dụng rộng rãi.
AirPods Pro 2 cũng sẽ tích hợp tính năng Trợ thính (Hearing Aid) không cần kê đơn, được thiết kế để hỗ trợ những người bị mất thính lực từ nhẹ đến trung bình. Thiết bị sẽ sử dụng hồ sơ thính giác được cá nhân hóa do Hearing Test tạo ra để thực hiện các điều chỉnh theo thời gian thực nhằm khuếch đại âm thanh xung quanh người dùng, đảm bảo họ vẫn nghe được môi trường xung quanh. Apple cho biết rằng tính năng này không chỉ hữu ích trong các cuộc trò chuyện mà còn tự động nâng cao trải nghiệm nghe đối với nội dung kỹ thuật số, bao gồm nhạc, phim và cuộc gọi điện thoại. Người dùng có thể tinh chỉnh cài đặt để phù hợp với nhu cầu thính giác cụ thể của bản thân.
Cả tính năng Kiểm tra thính lực và Trợ thính đều sẽ được cấp phép tiếp thị từ các cơ quan y tế toàn cầu, đảm bảo chúng đáp ứng quy định cần thiết đối với các chức năng cấp độ y tế.
Nhiều máy trợ thính đã có Bluetooth và hoạt động như tai nghe. Nhưng việc thêm công nghệ trợ thính vào một trong những tai nghe phổ biến nhất thế giới như của Apple có thể mở rộng khả năng người dùng tiếp cận công cụ trợ thính. Việc tiếp cận trợ thính không cần kê đơn cũng giúp ích rất nhiều cho những người bị mất thính lực từ nhẹ đến trung bình, và cũng giúp những ai bị mất thính lực nghiêm trọng hơn có thể dễ dàng kiểm tra và liên hệ chuyên viên sức khỏe khi cần.
Theo Hội đồng Quốc gia về Lão hóa, điều trị sớm sẽ giúp làm giảm các tác động tiêu cực của tình trạng mất thính lực, bao gồm suy giảm nhận thức, trầm cảm, lo âu và chi phí chăm sóc sức khỏe cao hơn. Hội đồng này khuyên rằng nếu chưa bao giờ kiểm tra thính lực, bạn nên bắt đầu kiểm tra thường xuyên khi bước sang tuổi 50 và Apple đã cung cấp một cách tiếp cận dễ dàng để làm điều đó.
Các tính năng mới cho AirPods Pro 2 sẽ có mặt vào cuối năm nay tại hơn 100 quốc gia. Người dùng có thể sử dụng chức năng trợ thính thông qua hồ sơ thính lực cá nhân hóa hoặc cũng có thể tự tải lên dữ liệu âm đồ do chuyên gia chăm sức khỏe tạo ra.
Điều này giúp AirPods 2 trở nên hữu dụng hơn và khi người dùng ngày càng tính toán kỹ hơn trong việc tiêu xài và mua sắm thì đây cũng là điểm mấu chốt để họ có thể tiết kiệm chi phí khi mua 1 được 2.