Những chiếc smartphone hiện đại ngày nay hầu như đều được trang bị khả năng kháng nước. Điều này có nghĩa là nếu chỉ ở các trường hợp tiếp xúc với chất lỏng thông thường như tia nước, mưa hay thậm chí rơi thẳng vào một chậu nước đầy, những thiết bị này vẫn sẽ sống tốt.
Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của những chú "dế" nguyên zin. Trong nhiều trường hợp bất khả kháng phải bung máy để sửa chữa phần cứng, ví dụ như thay pin hoặc màn hình. Hầu hết các thiết bị sẽ mất đi khả năng kháng nước. Như vậy, trong những trường hợp "éo le" này, nhỡ may chiếc smartphone của bạn rơi xuống nước thì sao? Hãy thử làm theo các bước sau đây.
Đầu tiên, hãy lấy nhanh thiết bị ra khỏi nước
Hầu như tất cả các loại nước trong thiên nhiên hiện tại đều có chứa các ion kim loại hòa tan hay dễ hiểu hơn, là nước tự nhiên là một dung môi dẫn điện, tất nhiên là trừ trường hợp nước cất (nước tinh khiết).
Trong trường hợp smartphone của bạn rơi vào nước, nếu không may chất lỏng này bị tràn vào bo mạch chủ thì khả năng cao nó sẽ gây đoản mạch và kết quả là hỏng hẳn. Vì vậy, hành động sáng suốt nhất thì nên lôi chiếc điện thoại thân yêu của bạn ra khỏi môi trường nước càng nhanh càng tốt.
Thật nhanh chóng tìm cách tắt nguồn
Như đã nói bên trên, vì tính dẫn điện của mình, nước khi tràn vào phần vi mạch sẽ nhanh chóng làm chúng bị "cháy đen". Nên việc ngắt nguồn điện bên trong thiết bị càng nhanh càng tốt là việc tiếp theo bạn cần làm.
Tuy nhiên, đừng hoảng loạn mà bấm loạn xì ngầu hết nút này đến nút khác. Các nút nhấn trên điện thoại đều là các chi tiết cơ khí được ghép nối lại với nhau, giữa chúng đều có khoảng hở và nước sẽ luồn theo các kẽ này để tiếp cận phần mạch chính của thiết bị, nếu bạn cứ bấm liên tục vào các nút (theo quan sát là hầu hết người dùng sẽ làm vậy), bạn chỉ đang tiếp tay cho nước "giết chết" thiết bị của mình mà thôi.
Đừng nhấn loạn xà ngầu các phím lên!
Lời khuyên là bạn nên sử dụng các phím điều hướng ảo (Assistive Touch trên iOS) hoặc các lệnh tắt nguồn bên trong phần "Cài đặt" của mỗi thiết bị để tắt nguồn. Hạn chế dùng nút nhấn nhất có thể.
Làm khô và hút ẩm
Sau khi tắt được thiết bị, nhanh chóng làm khô chúng bằng bất kỳ thứ gì có khả năng thấm hút nước nhanh chóng. Sẽ có một số lời khuyên rằng đừng sử dụng các loại chất liệu có lông, hay để lại bụi vải, nhưng đừng nghĩ vậy, một vài sợi vải kẹt ở đó có thể xử lý được rất dễ dàng. Nhưng một khi nước đã tràn vào bên trong máy, không có cách nào để giúp thiết bị của bạn sống lại cả.
Nhớ tháo cả khay sim, thẻ nhớ ra trong quá trình làm khô nhé
Sau khi lau khô thiết bị rồi, chúng ta sẽ tiến hành hút ẩm để loại hết những phần nước còn sót lại bên trong thiết bị. Cách thông dụng nhất thường được sử dụng đó là ném thiết bị vào thùng gạo, cách này có thể nói là hiệu quả, rất sẵn có.
Dùng gạo là một cách rất dân dã mà hiệu quả
Nhưng tốt hơn hết là bạn có thể tận dụng những gói hạt hút ẩm có sẵn trong những bịch bánh kẹo trong nhà, để chúng và chiếc điện thoại của mình vào một hộp kín, đóng kín nắp rồi chờ đợi trong vài giờ hoặc khoảng 1 ngày, thời gian chờ đợi càng lâu thì khả năng sống sót của thiết bị sẽ càng tăng cao.
Lựa chọn tốt nhất vẫn là các gói hút ẩm
Kiểm tra tình trạng hoạt động
Sau khi tiến hành hút ẩm, thử bật máy lên, nếu thiết bị của bạn lên nguồn, chúc mừng, chúng ta đã đi qua phần khó nhất rồi đấy. Tiếp theo tiến hành kiểm tra các chức năng cơ bản như nghe gọi, loa và quan trọng nhất là cắm sạc xem hệ thống này có vấn đề hay không. Nếu không thì tiếp tục sử dụng bình thường.
Nếu điện thoại lên nguồn thì tạm thời có thể yên tâm rồi
Nhưng đó chưa phải là hết, tiếp tục theo dõi tình trạng của thiết bị thêm một vài ngày nữa, nếu có bất kỳ hiện tượng gì xảy ra thì bạn nên nhanh chóng đem thiết bị của mình đến các dịch vụ sửa chữa để tiến hành kiểm tra, tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Cắm sạc thử là một bước quan trọng
Ảnh: Internet