Đẩy mạnh tiến độ đấu giá tần số 5G

5G là một hạ tầng số quốc gia quan trọng, ảnh hưởng đáng kể tới xã hội, các ngành công nghiệp

Ai trong số các nhà mạng di động ở Việt Nam sẽ giành được quyền sử dụng các tần số cho mạng 4G và 5G? Đến ngày 25-5-2023, kết quả vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, phải là những nhà mạng lớn mới có cơ hội vì ngoài cơ sở hạ tầng và năng lực vận hành đầy đủ còn cần bảo đảm khả năng tài chính để thắng trong "cuộc chiến đấu giá".

Nỗ lực gỡ vướng

Trong cuộc đấu giá tần số 4G và 5G này, theo thông báo từ trước, chỉ có 3 suất thắng cuộc.

Mạng di động 4G được bắt đầu cung cấp ở Việt Nam từ ngày 1-7-2016 với MobiFone. Từ tháng 4-2017, 2 nhà mạng VinaPhone và Viettel đã công bố cung cấp 4G trên toàn quốc. Đến nay, tất cả các nhà mạng di động ở Việt Nam, kể cả các nhà mạng ảo, đều có cung cấp 4G. Trong khi đó, sau thời gian thử nghiệm kỹ thuật từ cuối năm 2019, Viettel, MobiFone và VinaPhone trong tháng 11-2020 đã lần lượt công bố kế hoạch thử nghiệm thương mại và triển khai mạng 5G tại Việt Nam, nhất là ở 2 TP Hà Nội và TP HCM. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), đến tháng 6-2022, Viettel, VNPT, MobiFone đã thử nghiệm dịch vụ 5G tại 40 tỉnh, thành.

Bộ TT-TT cho phép các nhà mạng tạm thời đưa tần số của 2G sang cho 3G và dùng tần số của 3G cho 4G. Riêng mạng 5G thì theo giới chuyên môn, tốc độ triển khai thương mại 5G đang bị chậm lại, có nguyên nhân từ việc đấu giá băng tần 5G lâu nay gặp vướng mắc về pháp lý. Vì vậy, cho đến nay, mạng 5G ở Việt Nam vẫn chưa được cấp băng tần chính thức. Lẽ đương nhiên, khi chưa có trong tay chính thức tần số, chẳng nhà mạng nào có thể đầu tư triển khai chính thức mạng 5G trên diện rộng.

Về mặt quản lý chuyên ngành, Bộ TT-TT luôn tích cực tìm các giải pháp gỡ vướng, nhưng nhiều năm qua, công tác đấu giá tần số di động bị chậm do vướng quy định của nhiều bộ, ngành. Sáng 4-11-2022, tại phiên chất vấn trên nghị trường Quốc hội, trước câu hỏi từ đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình "cả một lịch sử vướng mắc pháp lý" phức tạp và cam kết sẽ sớm triển khai việc đấu giá tần số 4G, 5G. Cơ sở pháp lý để Bộ TT-TT thực hiện tiến trình đấu giá tần số 4G và 5G là Nghị định 88/2021/NĐ-CP Quy định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần được Chính phủ ban hành ngày 1-10-2021.

Ngày 21-2-2023, Bộ TT-TT đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2300-2400MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT. Theo đó, giá khởi điểm đối với băng tần 2300-2400 MHz là 12,88 tỉ đồng cho một MHz được phép sử dụng một năm và mỗi doanh nghiệp tham gia sẽ đấu giá 30MHz. Cục Tần số (Bộ TT-TT) cho biết các khối băng tần A1 (2300-2330 MHz), A2 (2330-2360 MHz), A3 (2360-2390 MHz) có giá khởi điểm 5.798 tỉ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm. Sau đó, các doanh nghiệp đã gửi hồ sơ tham gia đấu giá tần số 4G và 5G. Ngày 19-4-2023 là hạn chót nhận hồ sơ để Cục Tần số lựa chọn trình Bộ TT-TT các doanh nghiệp có đủ điều kiện đấu giá và tiến hành đấu giá tần số này. Trong lần đấu giá tần số di động 4G và 5G này, chỉ có các nhà mạng di động đang cung cấp dịch vụ tham gia, cho dù tất cả các doanh nghiệp đều có thể tham gia đấu giá băng tần nếu có đủ điều kiện.

Theo Bộ TT-TT, có 4 nhà mạng đủ điều kiện tham gia đấu giá tần số 4G và 5G là Viettel, VNPT, MobiFone và Vietnamobile. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được biên bản đấu giá, Bộ trưởng TT-TT sẽ ra quyết định phê duyệt kết quả đấu giá và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của bộ.

5G thúc đẩy nền công nghiệp 4.0

Việt Nam hiện có 5 nhà mạng di động đang hoạt động với cơ sở hạ tầng riêng là Viettel, VNPT, MobiFone, Gtel và Vietnamobile. Tuy nhiên, chỉ có 3 nhà mạng giành được quyền sử dụng tần số cho 4G và 5G, các nhà mạng còn lại sẽ phải hợp đồng chia sẻ băng tần 5G với các nhà mạng có tần số.

Theo nhận định của giới chuyên môn, trong số 4 nhà mạng di động được chọn tham gia đấu giá tần số 4G và 5G lần này, Vietnamobile có cơ sở hạ tầng yếu thế nhất, có ít tài nguyên băng tần nhất. Trong khi đó, nhà mạng này lại đang rất cần băng tần mới để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Họ sẽ là "con ngựa ô về ngược" nếu có thể bỏ ra một khoản đầu tư lớn hơn 1 trong 3 "đấu thủ" khác.

Trong một cuộc trao đổi với báo chí cuối tháng 3-2023, ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar - nhận định: "5G là một hạ tầng số quốc gia quan trọng, có tiềm năng ảnh hưởng đáng kể tới xã hội, các ngành công nghiệp, nền kinh tế cũng như mang lại lợi ích cho môi trường. Trong tương lai, nền kinh tế mới sẽ ngày càng phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào bền vững hơn như khoa học, công nghệ và sáng tạo. Theo đó, dữ liệu sẽ trở thành loại "nhiên liệu" mới tạo ra nhiều động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững trên phạm vi rộng hơn. Thông qua 5G, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong hàng ngàn nhà máy tại Việt Nam, cho phép robot, công nghệ bản sao số (digital twin), phương tiện điều khiển tự động, theo dõi hàng tồn kho từ xa và bảo trì dự đoán giúp nâng cao hiệu quả đáng kể và tăng cường an toàn cho các cơ sở sản xuất.

Đóng góp 7,4% GDP

Theo dự báo của giới chuyên môn, đến năm 2025, 5G có khả năng đóng góp từ 7,3% đến 7,4% vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam, bởi công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp.