Để chỉnh đồ họa cho một tựa game mới mua, bạn cần phải biết 12 điều sau đây (P1)
Trong tất cả các tựa game, từ online tới offline, hay thậm chí là cả web game thì phần tinh chỉnh đồ hoạ cũng luôn luôn xuất hiện. Bên cạnh các mức độ lựa chọn vô cùng đơn giản đã được thiết lập sẵn, thường là Low, Medium, Hight và Ultra với toàn bộ các thông số được gán mặc định thì vẫn còn đó chế độ custom nơi game thủ được phép chỉnh tay tất cả mọi thứ sao cho tối ưu nhất với sở thích cùng phần cứng mình sở hữu.
Tất nhiên, các chế độ mặc định của nhà sản xuất sẽ chẳng thể linh động và phù hợp được với nhu cầu của các game thủ khó tính, mặc dù có máy không quá mạnh nhưng vẫn muốn đạt được hình ảnh đẹp nhất có thể. Vì vậy, chúng ta phải hiểu được từng thông số để có thể hiệu chỉnh sao cho phù hợp với cấu hình phần cứng nhất.
Refresh Rate – Tần số làm tươi, tần số quét
Đây thực tế là thông số của màn hình, nhưng nó lại ảnh hưởng lớn tới vận hành của chiếc VGA. Thông thường, chiếc màn hình có refresh rate là 60 Hz, tức là trong 1 giây nó hiển thị được 60 hình ảnh, với những gaming monitor chuyên dụng thì con số là 144 Hz, đương đương 144 hình ảnh trên giây.
Càng nhiều hình ảnh được hiển thị trong 1 giây có nghĩa là game càng mượt, và điều này có tương tác với khả năng xuất hình của chiếc VGA (FPS). Nếu như VGA xuất đúng 60 FPS đúng với 60 Hz của màn hình thì mọi thứ sẽ vô cùng 'chuẩn', nhưng nhanh hơn thì sẽ có vấn đề bị 'xé hình'. Và hệ thống driver của Nvidia đã cung cấp V-Sync để giải quyết vấn đề này.
Anisotropic Filtering (AF) – Lọc bất đẳng hướng
Đây là tính năng giúp cho các phần rõ trong khung hình chuyển qua các phần mờ một cách mượt mà hoàn hảo nhất. Hiện tại AF cũng đã được tối ưu rất tốt nên bạn có bật cao nhất cũng không ảnh hưởng gì nhiều.
Depth of Field – Độ mờ vùng phụ trong khung hình
Khi chúng ta tập trung nhìn vật thể ở gần thì các vật thể ở xa sẽ bị mờ đi và ngược lại, đây chính là tác dụng của Depth of Field, thứ sẽ mô phỏng lại khả năng của mắt người. Trong bối cảnh hiện tại thì game thủ có thể tuỳ ý muốn mọi thứ rõ hay mờ, không ảnh hưởng nhiều tới khả năng xử lý.
Field of View (FOV) – Trường nhìn thấy
Field of View là yếu tố quyết định góc nhìn của game thủ trong trò chơi rộng hay hẹp. Nếu rộng quá thì mặc dù quan sát toàn cảnh tốt nhưng chi tiết lại khó phát hiện những di chuyển ở xa, còn nếu hẹp quá thì dễ quan sát tập trung hơn nhưng lại gây chóng mặt.
Post-Processing
Hiểu cơ bản thì đây là tổng hợp của rất nhiều hiệu ứng ánh sáng và chuyển động của nhân vật, giúp hình ảnh đẹp hơn. Trước đây thì chúng được tách ra bao gồm Blur, Lighting, Bloom… nhưng giờ đã được gộp lại làm một. Cần phải chú ý là đây là tính năng rất nặng, có thể gây sụt giảm khung hình khi lựa chọn mức cao nên game thủ cần thử nghiệm và tính toán kỹ trước khi áp dụng.