Để điện thoại dưới ánh nắng nguy hiểm thế nào?

Ai cũng biết ánh nắng mặt trời ảnh hưởng xấu đến da, thế nhưng không nhiều người biết rằng nó cũng tác động tiêu cực đến điện thoại nếu để dưới nắng lâu.

Có một sự thật rằng dù bạn đang sử dụng chiếc điện thoại cao cấp, hay chiếc điện thoại rẻ tiền bình dân thì bạn cũng phải tránh nhiệt độ quá cao mà mặt trời truyền vào thân điện thoại nếu như bạn không muốn mất tiền oan. Một số nguyên nhân cụ thể như sau:

Nhiệt độ quá cao làm suy giảm pin điện thoại

Như phần lớn các thiết bị điện tử khác, điện thoại thông minh hoạt động tốt nhất trong môi trường tương đối mát mẻ. Các hãng điện thoại phổ biến hiện nay như Apple và Samsung đều liệt kê phạm vi “hoạt động bình thường” của điện thoại nằm trong khoảng từ 32°F đến 95°F (0°C đến 35°C).

Để giải thích cho khoảng phạm vi này, các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân chủ yếu nằm ở sự xuống cấp của pin. Trong môi trường nhiệt độ cao pin rất khó chuyển hóa năng lượng hóa học thành điện năng, dẫn đến tình trạng pin nhanh chóng bị sụt dưới nắng nóng.

Các điện thoại thông minh ngày nay hầu hết có tính năng cảnh báo khi điện thoại nóng vượt ngưỡng an toàn. Điều này giúp bạn có phương hướng giảm nhiệt để giữ điện thoại của mình hoạt động tốt.

Để điện thoại dưới ánh nắng nguy hiểm thế nào? - Ảnh 1.

Để điện thoại dưới ánh nắng nguy hiểm như thế nào?

Pin quá nóng rất nguy hiểm

Việc sụt pin khi phơi điện thoại dưới nắng nóng tưởng chừng đã là vấn đề đáng quan ngại nhất rồi. Nhưng không thứ tồi tệ hơn là phồng pin và hỏng pin.

Dưới nắng nóng điện thoại không thể tản nhiệt đủ nhanh và pin bắt đầu bị hỏng. Các ion trong pin sẽ bị di chuyển qua một chất điện phân và khi chất này bị phân hủy tạo ra khí có thể tích tụ và khiến pin bị phồng lên.

Pin bị phồng nhanh chóng dưới nắng mặt trời, dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ và hư hỏng điện thoại. Cũng như nguy hiểm cho chính người sử dụng nó nếu không để ý.

Điện thoại không được thiết kế để hấp thụ nhiệt

Điện thoại được làm từ nhiều vật liệu trong đó phổ biến nhất là thủy tinh và kim loại và được thiết kế để hoạt động như một bộ tản nhiệt, hấp thụ nhiệt bên trong và giúp tản nhiệt ra khỏi điện thoại. Vậy nên khi nhiệt duy nhất tỏa ra từ chính điện thoại, mọi thứ thường hoạt động như bình thường.

Khi có thêm nguồn nhiệt bên ngoài như mặt trời, khả năng tự làm mát sẽ không hoạt động đủ công suất dẫn đến nhiệt độ máy không ngừng tăng cao. Điều này kéo theo một loạt các lỗi hiển thị trên màn hình cũng như trên các ứng dụng.

Không làm nguội máy đột ngột

Khi thiết bị điện thoại của bạn quá nóng, đừng vì nôn nóng giảm nhiệt độ mà cho nó vào trong tủ lạnh, tủ đông. Sự thay đổi nhiệt độ lớn có thể tạo ra hơi nước ngưng tụ bên trong thiết bị.

Để xử lý một chiếc điện thoại quá nóng do để quá lâu dưới ánh nắng mặt trời tốt nhất bạn chỉ cần tắt nguồn điện thoại và di chuyển điện thoại vào nơi nào đó mát hơn để điện thoại hạ nhiệt từ từ.

Mọi sự nóng vội chỉ khiến vấn đề thêm trầm trọng vì vậy bạn hãy bình tĩnh và luôn nhớ khi nhiệt độ quay lại trạng thái bình thường thì thiết bị của bạn cũng theo đó hoạt động trở lại.

Trên đây là bài viết về việc để điện thoại dưới ánh nắng nguy hiểm như thế nào. Mong rằng những kiến thức này sẽ giúp ích cho các bạn.