Deepfake: Nỗi ám ảnh của giới trẻ trên Internet, các hotgirl cẩn trọng!

Deepfake là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra hình ảnh, âm thanh hoặc bản ghi âm giọng nói giống như của một người khác.

Deepfake: Nỗi ám ảnh của giới trẻ

Theo một nghiên cứu mới công bố của hãng bảo mật Kaspersky, tại khu vực Đông Nam Á (ĐNÁ), những người thuộc thế hệ X và thế hệ Z ít lo sợ về các công nghệ như sinh trắc học, thiết bị thông minh, robot và deepfake, trong khi các thế hệ Millennials và Boomers lại cảnh giác hơn. Đây là một số phát hiện quan trọng trong “Nghiên cứu về vị trí của chúng ta trong nền kinh tế danh tiếng kỹ thuật số” vào tháng 12/2020.

Theo đó, hơn một nửa (62%) người dùng mạng xã hội ở ĐNÁ trong số những người tham gia khảo sát cảm thấy sợ công nghệ deepfake. Tỉ lệ này cao nhất trong nhóm Baby Boomers (74%) và thấp nhất ở nhóm Gen X (58%).

Deepfake là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra hình ảnh, âm thanh hoặc bản ghi âm giọng nói giống như của một người khác. Thái độ của những người được hỏi đối với công nghệ này không phải là không có cơ sở vì các video deepfake đã được sử dụng cho các mục đích chính trị, cũng như để trả thù cá nhân. Công nghệ này còn được sử dụng rộng rãi trong các vụ tống tiền và lừa đảo lớn.

Ví dụ, Giám đốc điều hành một công ty năng lượng của Anh bị lừa 243.000 USD khi kẻ gian dùng giọng nói deepfake của người đứng đầu công ty mẹ yêu cầu ông này chuyển tiền khẩn cấp. Giọng nói giả giống thật đến mức vị giám đốc này đã không nghĩ tới việc kiểm tra lại; tiền được đến tài khoản ngân hàng của bên thứ ba thay vì tài khoản của trụ sở chính. Vị giám đốc điều hành chỉ bắt đầu nghi ngờ khi "sếp" giả của ông ta yêu cầu chuyển thêm một khoản tiền khác. Ông ta cảm thấy lo lắng, nhưng đã quá muộn để lấy lại số tiền đã chuyển.

Ngoài ra, những cô gái trẻ đẹp, hotgirl nổi tiếng trên mạng xã hội cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của deepfake. Thực tế đã có nhiều nữ ca sĩ trẻ trong một nhóm nhạc Hàn Quốc bị ghép mặt vào clip khiêu dâm trên Internet bằng công nghệ này.

Ở ĐNÁ, những người tham gia khảo sát vẫn tỏ ra đề phòng đối với các công nghệ sinh trắc học như công nghệ sử dụng vân tay, máy quét mống mắt và nhận dạng khuôn mặt (32%), thiết bị thông minh (27%) và các công cụ robot như robot hút bụi (15%), mặc dù ở một mức độ thấp hơn so với deepfake.

Trải nghiệm tiêu cực trên Internet

Người sử dụng mạng xã hội trong khu vực có lý do chính đáng để lo sợ về các công nghệ đang phát triển, vì nghiên cứu cũng chỉ ra những trải nghiệm tiêu cực của họ trên mạng.

Deepfake: Nỗi ám ảnh của giới trẻ trên Internet, các hotgirl cẩn trọng! - 3

Mất tài khoản mạng xã hội là nỗi ám ảnh với người dùng Internet.

Sự cố phổ biến nhất mà hơn 30% người tham gia phỏng vấn từng gặp phải là bị chiếm đoạt tài khoản, trong đó có việc tài khoản mạng xã hội của họ bị người khác trái phép chiếm quyền truy nhập. Hơn một phần tư (29%) người tham gia phỏng vấn từng bị tiết lộ thông tin bí mật.

28% người tham gia khảo sát chia sẻ rằng thiết bị của họ bị cố tình xâm nhập, 24% nói thông tin cá nhân của họ hoặc bị đánh cắp hoặc sử dụng mà không được họ đồng ý hoặc bị công khai trên mạng (23%).

Những sự cố này gây ra các hậu quả đối với nạn nhân như phải nhận thư rác và quảng cáo (43%), cảm giác căng thẳng (29%), cảm thấy bối rối hoặc bị xúc phạm (17%), thiệt hại về danh tiếng (15%) và tổn thất tiền bạc (14%).

Chris Connell - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Kaspersky nhận định: “Khảo sát của chúng tôi cho thấy các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra trên mạng nhưng lại gây ra hậu quả trong đời thực. Công nghệ luôn phát triển để mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn, tuy nhiên vẫn phải rất thận trọng khi sử dụng công nghệ”.

Nghiên cứu này còn cho thấy, có gần 20% người dùng trong khu vực ĐNÁ tin rằng họ không cần phần mềm bảo mật Internet để bảo vệ cuộc sống trực tuyến của mình. Suy nghĩ này phổ biến nhất trong thế hệ Gen Z (17%), tiếp theo là thế hệ Millennials (16%). 15% người tham gia phỏng vấn thuộc thế hệ Gen X và Baby Boomers cũng cho rằng những giải pháp này là không cần thiết.

Trước thực trạng này, ông Connell cho rằng: “Điều này rất đáng lo ngại. Là con người, chúng ta thường xuyên mắc lỗi; nên các giải pháp này có thể trở thành tấm lưới an toàn bảo vệ chúng ta. Mặc dù không có một giải pháp hoàn hảo nào cho bảo mật mạng, nhưng đảm bảo các biện pháp phòng thủ cơ bản vẫn là một biện pháp quan trọng”.