NASA cho biết thời điểm tàu Juno gần Ganymede nhất sẽ rơi vào 17 giờ 35 phút chiều thứ hai 7-6 theo giờ chuẩn GMT (tức 0 giờ 35 phút rạng sáng thứ ba 8-6 theo giờ Việt Nam). Tàu vũ trụ Juno vốn là "chiến binh" của NASA được phóng lên Sao Mộc từ năm 2011 để thay thế cho tàu Gallileo.
Trong thời gian Juno làm nhiệm vụ, nó đã tìm thấy bằng chứng cho thấy 4 mặt trăng lớn nhất của Sao Mộc là Ganymede, Europa, Calisto và Io có nhiều đặc tính dị thường, 3 trong số đó có thể mang những điều kiện phù hợp với sự sống.
Theo Daily Mail, Ganymede là mặt trăng lớn nhất trong Hệ Mặt Trời. Với đường kính lên tới 5.262 km, nó thậm chí lớn hơn nhiều hành tinh trong vũ trụ, ví dụ như Sao Thủy. Trong các bức ảnh mà tàu Juno và Voyager 1, Voyager 2 của NASA chụp Ganymede, nó thường hiện lên với sắc tím huyền hoặc hoặc màu cầu vồng với màu tím là chủ đạo.
"Mặt trăng màu tím" này được phát hiện từ đầu thế kỷ 17 và vẫn thường hiện ra trong mắt người Trái Đất mỗi khi Sao Mộc mang theo nó đi vào điểm gần với địa cầu nhất trên quỹ đạo.
Theo Space, "mặt trăng màu tím" cũng là mặt trăng duy nhất từng được phát hiện sở hữu từ quyển giống Trái Đất. Đó là một ưu thế lớn: nếu có sinh vật sống trên Ganymede, chúng sẽ được bảo vệ tốt hơn khỏi những tác động bất lợi từ vũ trụ. Hành tinh này cũng được cho là có đại dương, dưới dạng vùng nước ngầm dưới vỏ băng, sở hữu một hệ thống thủy nhiệt giống hệ thống thủy nhiệt dưới đáy biển khu vực Hawaii hay Nam Cực.
Năm ngoái, NASA còn phát hiện đại dương này được sưởi ấm cực kỳ tốt bởi 4 mặt trăng lớn nhất của Sao Mộc không chỉ tương tác thủy triều với sao mẹ mà còn tương tác thủy triều với nhau.
Tiến sĩ Scott Bolton từ Viện Nghiên cứu Tây Nam (Texas, Mỹ), người đứng đầu sứ mệnh Juno của NASA cho biết: "Juno mang theo một bộ dụng cụ nhạy cảm, có khả năng nhìn vào Ganymede theo cách chưa từng có trước đây".
Cú áp sát này sẽ đem về những hình ảnh tuyệt đẹp, sắc nét về tầng điện ly, từ quyển và lớp vỏ băng giá của mặt trăng màu tím; giúp giải mã thành phần cũng như khả năng sinh sống của thế giới bí ẩn này.