Đêm nay, Việt Nam chiêm ngưỡng mưa sao băng đẹp nhất năm

Các quốc gia ở Bắc Bán cầu sẽ ngắm đêm "cực đỉnh" mưa sao băng Quadrantids vào đêm 2 đến 3-1 hoặc 3 đến 4-1 tùy theo múi giờ, với mật độ lên đến 120 sao băng/giờ.

Theo Space, mưa sao băng Quadrantids đã xuất hiện từ cuối tháng 12 năm ngoài và sẽ duy trì đến tuần thứ 2 của tháng 1-2021. Không giống như các trận mưa sao băng khác thường duy trì mức độ cực đại trong khoảng 1-2 ngày, mưa sao băng Quadrantids chỉ đạt cực đại trong vài giờ, vì thế bạn cần canh đúng đêm "cực đỉnh" để tận hưởng được vẻ rực rỡ của nó.

Đêm nay, Việt Nam chiêm ngưỡng mưa sao băng đẹp nhất năm - 1

Định vị tại TP HCM, trang Time and Date cho biết đêm đẹp nhất của mưa sao băng Quadrantids sẽ là đêm 3-1, rạng sáng 4-1-2021. Thời điểm quan sát tốt nhất là rạng sáng 4-1, khoảng 2 giờ cho đến trước khi mặt trời lên. Lúc này, số sao băng rơi mỗi giờ có thể lên đến 120, tức gấp vài lần so với hầu hết các trận mưa sao băng khác. Các quốc gia ở Bắc Bán cầu sẽ thuận lợi để chiêm ngưỡng Quadrantids.

Earth Sky tiết lộ mưa sao băng Quadrantids không bắt nguồn từ một sao chổi như hầu hết các trận mưa sao băng khác, mà đến từ một tiểu hành tinh gần Trái Đất tên 2003 EH1. Nó bay quanh Mặt Trời mỗi 5,5 năm. Mỗi năm, Trái Đất lại đi qua chiếc đuôi đá bụi của nó một lần, đó chính là cơn mưa sao băng.

Đêm nay, Việt Nam chiêm ngưỡng mưa sao băng đẹp nhất năm - 3

Dấu cộng màu xanh lá trong bức ảnh chính là nơi mưa sao băng phát ra trên bầu trời - Ảnh: SKY & TELESCOPE

Mưa sao băng Quadrantids có tên bắt nguồn từ nơi nó phát ra - chòm sao cũ mang tên Quadrans Muralis hiện đa bị Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) gạt khỏi danh sách các chòm sao từ năm 1992. Để quan sát mưa sao băng này, bạn có thể tìm thứ dễ thấy hơn là điểm ở giữa các chòm sao Bootes (Mục Phu), Draco (Thiên Long), Big Dipper (Đại Hùng Tinh), Little Dipper (Tiểu Hùng Tinh). Trước khi quan sát, hãy để ánh mắt mình tránh xa khỏi ánh đèn và mọi loại màn hình để làm quen với bóng tối khoảng 15-20 phút.