Những chiếc bàn phím cơ giá rẻ sẽ bị cắt bớt một vài tính năng thú vị như đồng bộ đèn LED RGB hay chỉ sử dụng loại switch cấp thấp. Song về tổng thể thì chúng đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng bình thường như chơi game hay dùng để gõ văn bản. Chính vì thế mà nếu như 'ví mỏng' thì cũng không cần đầu tư quá nhiều tiền.
E-Dra EK387 giá 550 ngàn đồng
Chiếc bàn phím cơ E-Dra EK387 mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam khoảng 1 tuần và được rất nhiều game thủ ưa chuộng bởi chất lượng vượt trội so với giá tiền bỏ ra mua. Dễ dàng nhận thấy rằng E-Dra EK387 có thiết kế rất cơ bản, không thừa thãi với lay out TKL (87 phím) giành cho game thủ yêu thích sự gọn gàng hoặc hay mang đi sử dụng ở nhiều nơi khác nhau (ví dụ quán net hay công sở, nơi tập trung nhóm chơi cùng...).
E-Dra EK387 gây ấn tượng mạnh khi mới mở hộp và cầm trên tay. Trước hết bởi vì chất lượng build của bàn phím này thực sự rất tốt: Vỏ nhựa vô cùng chắc chắn cứng cáp, sờ vào đã thấy dày dặn và khi thử bẻ cong hay xoắn đều không nhíc, cũng không có tiếng ọt ẹt. Phải khẳng định rằng trong số những chiếc bàn phím cơ dưới 1 triệu đồng thì đây là sản phẩm có build thuộc dạng tốt nhất.
Đến khi cắm vào sử dụng thì E-Dra EK387 lộ ra phần rẻ tiền của mình khi chỉ trang bị đèn LED 6 màu rainbow với từng khu cố định màu sắc. Với kiểu phối dọc như trên hình thì đỡ chán mắt hơn chia ngang một chút. Dù sao cũng khó mà đòi hỏi được gì nhiều ở chiếc bàn phím chỉ 600 ngàn đồng mà thôi. Bù lại thì đèn phím rất sáng sủa và có nhiều hiệu ứng vui mắt, trông uyển chuyển, sáng tối mượt mà thú vị.
Về mặt sử dụng, E-Dra EK387 đem tới cảm giác gõ thuộc dạng tạm ổn, hành trình phím dài lực bấm của các phím không lệch nhiều, các phím dài có stabilizer cân. Cả 3 loại switch blue, brown và red trên sản phẩm đều dùng của hãng Outemu quen thuộc trong các dòng giá rẻ. Tất cả đều đã nhái lại Cherry với chất lượng không tệ sau nhiều năm cân chỉnh, chỉ có điều là lực bấm nhẹ hơn một chút so với bản gốc.
DareU EK87S giá 550 ngàn đồng
Mới đây để đáp ứng thị trường Việt Nam thì hãng gaming gear giá rẻ DareU đã giới thiệu chiếc bàn phím cơ mới DareU EK87S, là một bản nâng cấp của chiếc EK87 vốn khá 'phổ thông' trước đây. Sản phẩm này vẫn nằm trong phân khúc bình dân với giá bán chỉ 550k nhưng có khá nhiều cải tiến về hệ thống LED cũng như phần stabilizer, đem lại hiệu năng sử dụng tốt hơn hẳn.
DareU EK87S duy trì chất lượng build thuộc dạng khá, phần nhựa chắc chắn không bị ọp ẹp, ngoài ra keycap ổn với phông chữ 'không xấu' cũng là một điểm cộng. Chiếc bàn phím cơ này có kích cỡ gọn gàng, layout TKL tiêu chuẩn rất dễ làm quen.
Một điểm dễ nhận thấy của DareU EK87S ngay khi cắm bàn phím này lên chính là hệ thống LED 6 màu chia theo từng hàng nút thay vì chỉ có màu đỏ như phiên bản trước. Tùy theo gu thẩm mỹ của từng người thì sẽ thấy xấu đẹp khác nhau. Nhưng dù sao thì đây cũng là một cải tiến nho nhỏ, đỡ nhàm chán hơn và ai thích màu kiểu RGB mà thiếu thốn về mặt tài chính thì cũng là một sự lựa chọn tạm ổn.
Về mặt sử dụng, DareU EK87S đem tới cảm giác gõ ngon lành, mặc dù vẫn dùng switch cũ "D" do hãng tự làm (vốn cho chất lượng tốt đã được kiểm định) song cấu trúc stabilizer trên các phím dài được thay đổi khiến cho tổng thể có chút khác biệt. Cơ bản thì khi chạm vào các nút lớn như 'cách', shift, enter thì cảm giác chắc chắn hơn nhưng cũng hơi nặng hơn một chút.
Geezer GS3 RGB Optical giá 700 ngàn đồng
Vào thời điểm hiện tại, các loại bàn phím cơ giá rẻ đang xuất hiện rất nhiều trên thị trường với chất lượng được cải thiện rất nhiều. Mới đây sản phẩm rất đáng chú ý là Geezer GS3 RGB Optical đã cập bến Việt Nam. Chiếc bàn phím cơ này có giá khá rẻ vào khoảng 700 ngàn đồng và được trang bị bộ switch quang học (Optical switch), với tuổi thọ công bố của nhà sản xuất là 50 triệu lần bấm, đảm bảo gõ gãy tay cũng chưa hỏng nút.
Geezer GS3 RGB Optical có đèn LED RGB có khả năng đổi màu lập lòe trông rất vui mắt, độ sáng của nút lớn và có nhiều hiệu ứng, dễ dàng điều chỉnh trên phím mà không cần phần mềm. Tuy nhiên font chữ trên keycap thì hơi xấu, đậm chất Trung Quốc nên không hấp dẫn cho lắm. Để khắc phục thì game thủ nên mua một bộ keycap khác thay vào sẽ hoàn thiện hơn về mặt thẩm mỹ.
Đi sâu vào chiếc switch quang học là điểm nhấn của Geezer GS3 RGB Optical: Đây là loại nút có cấu tạo riêng rất khác so với loại Cherry nổi tiếng. Bên trong là cơ chế nhận tín hiệu bằng ánh sáng (chặn lại là phát ra tín hiệu bấm nút) nên hoàn toàn không có tiếp xúc vật lý tiếp điện, không bị hao mòn sau thời gian dài sử dụng. Từ đó độ bền và độ chính xác được nâng cao lên khá nhiều. NSX hứa hẹn rằng dùng vài năm thì không bao giờ lo hỏng.
Về mặt sử dụng, cảm giác gõ trên Geezer GS3 RGB Optical khá ổn, nút bấm xuống mượt mà, ngay cả các nút dài cũng rất ổn, đều đặn và không bị kẹt khó chịu. Với chiếc tôi được dùng thử thì switch cũng kêu 'lạch cạch' như Cherry MX Blue, nhưng lực lò xo nhẹ hơn một chút.