Điện thoại ngày nay chẳng khác gì "một cục xà phòng": Ai là thủ phạm tạo ra thiết kế phi lý đến vậy?

Cầm điện thoại mà không dùng ốp lưng ngày nay đúng là một thử thách. Khi rút "cục xà phòng" giá vài chục triệu ra cầm trên tay, cảm giác không khác gì chơi trò mạo hiểm.

Điện thoại ngày nay quá trơn

Khi mua điện thoại mới, thứ mà chúng ta ngay lập tức phải mua kèm theo là một chiếc ốp lưng. Không biết từ bao giờ, ốp lưng và điện thoại đã trở thành hai vật không thể tách rời nhau.

Ai cũng nghĩ ốp lưng chỉ giúp bảo vệ điện thoại khi rơi vỡ, nhưng sự thật là chúng còn che đậy một vấn đề khó chịu mà ít ai nhận ra: Điện thoại ngày nay quá trơn.

Không ít người thử "mạo hiểm" tháo ốp lưng ra để dùng máy trần nhưng chỉ được một vài ngày là ngay lập tức phải đeo ốp vì cảm giác cầm máy trơn đến khó chịu, đặc biệt với những ai tay ra nhiều mồ hôi.

Đây cũng là vấn đề mà cây bút Nick Fernandez của Android Authority gặp phải. Khi Google Pixel 9 ra mắt, anh quyết định dùng điện thoại mà không đeo ốp lưng trong vài ngày và sớm nhận ra đó là một sai lầm. Mọi sự chắc chắn và thoải mái trên điện thoại ngay lập tức biến mất khi anh giữ chặt điện thoại "cứ như thể giữ chặt mạng sống của mình".

Điện thoại ngày nay chẳng khác gì

iPhone 12.

Thiết kế dạng thanh dùng mặt kính kết hợp với phần khung kim loại mang lại vẻ ngoài đẹp và cao cấp nhưng chúng cực kỳ trơn trượt. Ngay cả các nút bấm cũng làm chìm vào các cạnh một cách tinh tế nhưng thực chất chúng rất khó để trở thành điểm bám víu trên tay.

"Nếu phải mô tả trải nghiệm của mình bằng một từ, đó sẽ là căng thẳng", Nick so sánh. "Mỗi lần rút cục xà phòng trị giá 800 USD ra khỏi túi, tôi cảm thấy việc kiểm tra email cứ như chơi một ván Squid Game".

Chiếc điện thoại không khá hơn là bao khi đặt xuống. Phần camera nhô lên khiến chỉ có một phần nhỏ lưng máy là chạm được vào bàn, vì vậy bất kỳ độ nghiêng nào cũng sẽ khiến điện thoại rơi xuống.

Không chỉ riêng Google Pixel 9, khi xem xét các điện thoại thông minh ngày nay, có vẻ như tất cả đều coi trọng tính thẩm mỹ hơn tính tiện dụng.

Rõ ràng iPhone của Apple là thủ phạm đầu tiên, nhưng đến cả Samsung Galaxy S24 cũng tuân theo chính xác các nguyên tắc thiết kế đó. Trên thực tế, mặt sau mờ của Galaxy S24 thậm chí còn trơn hơn cả Pixel 9.

Rốt cuộc để làm gì? Để chúng trông bóng bẩy hơn trong ảnh quảng cáo? Dường như không có lợi ích thực tế nào đối với điện thoại thông minh dạng thanh dùng mặt kính cho việc cầm trên tay. Trang bị vật liệu bền như Gorilla Glass Victus 2 làm gì nếu như điện thoại của bạn cứ như sắp rơi bất kỳ lúc nào?

Thứ có ích duy nhất của phong cách trơn trượt này có lẽ là để giúp cho các hãng sản xuất ốp lưng bán chạy hơn.

Điện thoại ngày nay chẳng khác gì

Nokia Lumia từng có phần mặt lưng rất ôm tay.

Những ngày xưa tươi đẹp

Quay lại thời kỳ mà Apple chưa đưa khung nhôm và mặt kính bóng lần đầu tiên lên iPhone 12, chúng ta sẽ thấy những chiếc điện thoại thông minh cũ có thiết kế thú vị và không trơn trượt.

Nokia Lumia thường có mặt sau bằng nhựa mờ không chỉ dễ cầm hơn mà còn có khả năng thay thế. LG G4 có mặt sau bằng da bóng bẩy giúp tăng độ bám và mang đến vẻ ngoài cao cấp. Hay mặt sau bằng tre trên Moto X là một ví dụ khác.

Ngày nay, một số điện thoại vẫn có phần mặt lưng với chất liệu thú vị, dễ cầm nắm nhưng vẫn chỉ nằm ở xu hướng ngách. Còn lại các ông lớn như Apple, Samsung và Google vẫn giữ nguyên ngôn ngữ thiết kế trong gần bốn năm, chỉ thay đổi hình dạng và vị trí cụm camera.

Sau cùng, bạn vẫn cần một chiếc ốp lưng để chiếc điện thoại đắt tiền của mình mang lại cảm giác an tâm hơn. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải đánh đổi lấy độ mỏng và vẻ đẹp nguyên bản của thiết bị, cũng như khả năng tản nhiệt kém hơn. Thứ bạn nhận lại là một chiếc máy mới, an toàn khi làm rơi và cảm giác cầm chắc chắn trên tay.

Sau vài ngày dùng máy trần, cây bút Nick Fernandez phải dang tay đón chào chiếc ốp của mình quay trở lại. "Có lẽ quá trình sử dụng điện thoại thông minh chỉ thực sự bắt đầu khi bạn gắn một chiếc ốp lưng vào thiết bị mới sáng bóng và trơn trượt của mình", Nick nói.