Với dân số và nền kinh tế đang tăng trưởng, Việt Nam dự kiến sẽ có sự gia tăng nhu cầu về smartphone, vì vậy Xiaomi hy vọng có thể tạo được chỗ đứng trên thị trường để bắt kịp Samsung - công ty đứng đầu về doanh số smartphone tại Việt Nam.
Để làm điều này, Xiaomi sẽ chọn DBG Technology có trụ sở tại Hồng Kông để sản xuất các thiết bị Xiaomi tại nhà máy của họ ở Thái Nguyên. Nhà máy này có diện tích khoảng 200.000 mét vuông với với đầu tư khoảng 80 triệu USD. Bên cạnh sản xuất smartphone, nhà máy cũng sẽ sản xuất các bộ phận khác nhau như thiết bị truyền dữ liệu và chất nền mạch. Sản phẩm Xiaomi “made in vietnam” cũng sẽ được xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan.
Xiaomi trước đây chủ yếu sản xuất smartphone ở Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, sau khi đại dịch Covid-19 tấn công thế giới vào năm 2020, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng đáng kể và tác động mạnh đến doanh số bán hàng. Để phân tán các cơ sở sản xuất, công ty quyết định tiến hành sản xuất ở Bắc Giang, nơi dễ dàng chuyển từ Trung Quốc sang.
Nhà máy của DBG Technology nằm trong cùng một khu công nghiệp với Samsung, điều này giúp Xiaomi có thể mua các bộ phận từ một số nhà cung cấp mà Samsung đã dành hơn 10 năm thu thập. Samsung vào Việt Nam năm 2009 và hai nhà máy ở miền Bắc sử dụng khoảng 100.000 nhân viên, đảm nhận khoảng 50% sản lượng smartphone toàn cầu của công ty.
Các nguồn tin trong ngành cho biết, ngay cả những công ty smartphone khởi nghiệp muộn cũng có thể mua linh kiện từ Việt Nam, nơi có chi phí sản xuất thấp hơn của Trung Quốc, để giảm thêm chi phí. Việc triển khai sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam, quốc gia có dân số khoảng 100 triệu người, được kỳ vọng sẽ giúp quảng bá hình ảnh thương hiệu Xiaomi.
Xiaomi hiện có cửa hàng smartphone đặt tại một đại lý bán hàng ở Hà Nội. Giá trung bình smartphone Xiaomi rơi vào khoảng từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng, với mẫu thấp nhất có giá 2,49 triệu đồng. Các mẫu điện thoại của Xiaomi được ưa chuộng vì giá cả phải chăng hơn đối thủ, chẳng hạn Samsung.