Được thành lập từ năm 1976 với sản phẩm đầu tiên là máy tính nhưng giờ đây, Apple lại được biết đến là công ty sản xuất iPhone cùng loạt thiết bị máy tính xách tay MacBook Pro, máy tính bảng iPad, máy tính để bàn iMac, tai nghe không dây AirPods, đồng hồ Apple Watch,…
Cố CEO Apple - Steve Jobs và chiếc iPhone đầu tiên.
Vào quý 1 vừa qua, hãng này đã mang về doanh số “khổng lồ” – 100 tỷ USD bất chấp đại dịch gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại, “Nhà Táo” vẫn là công ty có giá trị nhất thế giới, đã đạt được giá trị vốn hóa vượt mốc 2.500 tỷ USD vào tuần trước, từng bước đạt tới 3.000 tỷ USD vào năm sau.
Thành công vĩ đại này có được sau 2 thập kỷ trước, công ty còn đứng trước bờ vực phá sản. Bí mật thành công của “Táo Khuyết” mới đây đã được kênh YouTube uy tín – Apple Explained giải mã.
Rõ ràng, sự thành công này đến từ chiến lược kinh doanh của họ được duy trì tới tận ngày nay. Vào những năm 1980, Microsoft vẫn là “ông trùm”, các công ty công nghệ vẫn thường kiếm tiền bằng cách bán phần mềm bản quyền. Tuy nhiên, Steve Jobs từ chối làm điều này, thay vào đó, ông tập trung vào bán phần cứng.
Chiếc iPad đầu tiên.
Ông cho rằng một sản phẩm tốt là khi chúng kiểm soát tốt cả phần cứng lẫn phẩn mềm. Và khi có trong tay những phần cứng tốt nhất, công ty sẽ không có đối thủ nào xứng tầm.
Có một sự thật là người dùng từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước không phân biệt được sự khác nhau giữa PC và Mac, do đó Apple chỉ nắm được thị phần khá nhỏ trong thị trường máy tính. Tuy nhiên, bằng việc tối ưu hóa tối đa phần cứng và phần mềm, “Táo cắn dở” đã chuyển những công nghệ của mình vào các thiết bị di động, khởi đầu là iPod với giá bán khá rẻ. Thành công ban đầu này giúp công ty gây được sự chú ý và có mức tăng trưởng thần kỳ (từ năm 2001 – 2007).
CEO Apple đương nhiệm - Tim Cook.
Nhưng điều khiến Apple bước sang một trang mới, làm được điều mà không hãng công nghệ nào làm được là tạo ra hệ điều hành riêng cho sản phẩm của mình. Ngay sau đó, iPhone đầu tiên được công bố vào năm 2007 đã mang về sự “bùng nổ” về doanh thu và lợi nhuận cho hãng.
3 năm sau, sự xuất hiện của iPad cũng đã nâng sản phẩm của công ty lên một tầm cao mới. Ban đầu, do có giá bán quá cao, iPad đã giảm giá xuống còn một nửa giá – 499 USD (tương đương 11,48 triệu đồng), nhanh chóng trở thành mặt hàng điện tử bán chạy nhất.
Apple đang đẩy mạnh kinh doanh phần mềm thông qua ứng dụng.
Vào năm 2011, Apple đã trở thành công ty có trị giá 100 tỷ USD, trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Cột mốc này đạt được chỉ sau 2 tuần Steve Jobs rời vị trí CEO vì lý do sức khỏe. Nhưng những sản phẩm sau này vẫn được CEO kế nhiệm – Tim Cook thực hiện rất tốt, iFan vẫn nâng cấp chúng hàng năm.
Không những thế, “Nhà Táo” còn mạnh dạn tấn công 2 thị trường lớn – Trung Quốc và Ấn Độ. Cùng với đó, Apple tiếp tục tăng giá thiết bị của mình và kiếm tiền từ các tài khoản đăng ký dịch vụ. Vào năm 2019, hãng còn tung ra thẻ Apple Card, Fitness+,… tích hợp cùng hệ sinh thái của mình.
Dòng iPhone 12 mang lại doanh thu "khủng" cho Apple.
Nhưng thực tế, điều cốt lõi giúp hãng giàu có chính là nhờ việc bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu của người dùng – không bán dữ liệu người dùng cho các nhà quảng cáo. Công ty không thu gom dữ liệu ồ ạt như mạng xã hội Facebook và mới đây còn ra mắt tính năng minh bạch theo dõi ứng dụng (App Tracking Transparency – ATT), cho phép người dùng được quyền lựa chọn xem các ứng dụng có được lấy dữ liệu của mình hay không.
Thực tế, dữ liệu người dùng còn có giá trị hơn dầu mỏ, và nếu Apple theo dõi người dùng, có thể kiếm hàng tỷ USD lợi nhuận. Với vị trí độc tôn trong hệ sinh thái của mình, tung ra nhiều sản phẩm và nâng cao trải nghiệm người dùng, bảo vệ dữ liệu của họ, Apple vẫn luôn giữ vững ngôi “vô địch” – công ty công nghệ giá trị nhất thế giới trong hơn một thập kỷ qua.