Ngày nay khi nhắc đến những thiết bị phục vụ nhu cầu làm mát trong các gia đình, không thể không kể tới thiết bị mang tên điều hòa. So với quạt máy, điều hòa được đánh giá làm mát sâu, tốt và nhanh hơn. Cách sử dụng điều hòa cũng rất đơn giản. Người dùng chỉ cần tùy chọn chế độ, nhiệt độ và điều chỉnh sao cho phù hợp bằng điều khiển từ xa.
Quen thuộc là vậy song không phải ai cũng nắm rõ các lưu ý về chiếc điều hoà. Ví dụ như 1 tình trạng điều hoà phát ra tiếng động lớn. Một số người dùng cho rằng hiện tượng này chỉ là đơn thuần do quạt gió của thiết bị đang chạy, vô tình tạo ra tiếng ồn.
Tuy nhiên trên thực tế, theo các chuyên gia hay các thợ chuyên nghiệp sửa chữa điện lạnh, hiện tượng điều hoà kêu to khi hoạt động không chỉ đơn giản như vậy. Rất có thể nó đang báo hiệu điều hoà đang gặp vấn đề ở một, thậm chí nhiều bộ phận, cần kiểm tra và sửa chữa kịp thời.
Nguyên nhân điều hoà phát tiếng ồn lớn
Vị trí lắp đặt điều hoà có vấn đề
Nguyên nhân đầu tiên được các chuyên gia chỉ ra đó là vị trí lắp đặt điều hoà đang gặp vấn đề. Vấn đề ở đây có thể là do sự mất cân bằng, các ốc vít cố định điều hoà đang bị lỏng, rời khỏi vị trí ban đầu, hay ngay từ đầu, điều hoà đã bị lắp đặt sai cách.
Với vấn đề điều hoà mất cân bằng hay lỏng ốc vít, người dùng chỉ cần tiến hành kiểm tra, siết lại các ốc hoặc thay thế nếu thấy cần thiết. Đây là cách xử lý đơn giản nhất, giúp cố định lại vị trí của điều hoà và sẽ giúp tình trạng điều hoà phát ra tiếng ồn không còn nữa.
Còn với vấn đề điều hoà bị lắp đặt sai cách, có thể do được lắp trên bề mặt không bằng phẳng, dàn nóng - dàn lạnh được lắp đặt không hợp lý, hay khu vực xung quanh điều hoà đang có quá nhiều vật cản.
Hãy quan sát và đánh giá xem vị trí điều hoà đang thật sự gặp vấn đề gì và đưa ra phương án giải quyết tương ứng.
Quạt gió điều hoà gặp vấn đề
Bộ phận quạt gió đang gặp vấn đề cũng là một nguyên nhân phổ biến dẫn tới việc điều hoà phát ra tiếng kêu khi hoạt động. Quạt gió đảm nhiệm nhiệm vụ tạo ra làn gió lạnh, từ đó toả ra môi trường bên ngoài và làm mát không gian. Bởi vậy khi bộ phận này gặp vấn đề, điều hoà không chỉ phát ra tiếng ồn lớn mà còn khiến hiệu quả hoạt động của thiết bị bị giảm đi đáng kể.
Các vấn đề có thể xảy ra với quạt gió bao gồm quạt gió bị nứt, gãy, bị lệch khỏi vị trí, bị khô dầu hay bị bám quá nhiều bụi bẩn. Lúc này, người dùng có thể ngắt điện điều hoà, sau đó tháo rời bộ phận quạt gió ra khỏi thiết bị và tiến hành kiểm tra. Với các trường hợp đơn giản như điều hoà bị lệch khỏi vị trí thì chỉ cần lắp lại; nếu quạt gió bị khô dầu chỉ cần bổ sung; quạt gió bị bụi bẩn thì cần vệ sinh.
Nhưng với trường hợp quạt gió đã xuất hiện các vết nứt, thậm chí là gãy, tốt nhất không nên tiếp tục sử dụng mà hãy thế bằng linh kiện mới. Việc tiếp tục sử dụng quạt gió đã bị nứt, gãy tiềm ẩn nguy cơ thiết bị có thể xảy ra chập điện nguy hiểm khi vận hành.
Cửa đóng mở điều hoà bị nứt, vỡ
Cửa đóng mở nằm ở phía bên ngoài dàn lạnh, là bộ phận hỗ trợ việc điều khiển hướng gió của điều hoà. Khi bộ phận này bị nứt, vỡ, nó sẽ không thể hoạt động tốt, từ đó phát ra tiếng kêu.
Nếu khu vực này chỉ bị nứt những vết nhỏ, người dùng có sử dụng keo chuyên dụng để dán lại. Tuy nhiên nên chọn các loại không có mùi. Nhưng nếu đã bị vỡ hay gãy, tốt nhất cần thay mới.
Trên đây là những nguyên nhân phổ biến, gặp ở dàn lạnh điều hoà khiến thiết bị phát ra tiếng ồn khi hoạt động. Khu vực dàn nóng của điều hoà cũng có thể phát ra tiếng ồn lớn. Các nguyên nhân được xác định dẫn đến tình trạng này bao gồm:
- Vị trí dàn nóng không cố định (ron cao su lót bên dưới bị chai hoặc mất, lắp bị lệch)
- Bên trong cục nóng có vật lạ hoặc quá bẩn
- Quạt gió dàn nóng bị gãy hoặc rời khỏi vị trí ban đầu
Đối với dàn nóng, các phương án xử lý sẽ phức tạp hơn bởi vị trí lắp đặt dàn nóng thường khá đặc thù, ở trên cao, thậm chí là bên ngoài lan can, ban công, trên mái nhà. Bởi vậy để đảm bảo an toàn người dùng không nên tự xử lý mà hãy nhờ tới sự hỗ trợ của các đơn vị sửa chữa, kỹ thuật chuyên nghiệp.
Để hạn chế tối đa việc điều hoà gặp phải các vấn đề ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động hay tuổi thọ của thiết bị, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng người dùng nên thiết lập lịch bảo dưỡng định kỳ. Có thể 1-2 lần/năm, thậm chí nhiều hơn, tuỳ vào tần suất sử dụng.