Ngày 5-6, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tổ chức hội thảo lần thứ 5 về Khung pháp lý quản lý Tài sản ảo (VA) và Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP).
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh gần 1 năm nữa là đến thời hạn ban hành Khung pháp lý Tài sản ảo (tháng 5-2025) theo cam kết của Chính phủ nhằm thực hiện Kế hoạch Quốc gia về Phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám (grey list) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính toàn cầu (FATF).
Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận về các quy định pháp luật từ góc độ bảo vệ người dùng, tìm hiểu một số mô hình quản lý VA-VASP được đánh giá là tiến bộ như Đạo luật Tài sản mã hóa (MiCA) có hiệu lực từ cuối năm 2024 của Liên minh châu Âu và Luật Quản lý Tài sản Mã hóa của Hồng Kông (Trung Quốc).
Tại Việt Nam, do thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh, các quy định liên quan đến VA-VASP nằm rải rác ở 19 văn bản quy phạm pháp luật, dẫn tới tình trạng các hoạt động huy động vốn cộng đồng, gian lận, tiếp thị quảng bá dịch vụ tài sản ảo vẫn diễn ra tràn lan không phép, bao gồm cả trong khu vực các trường đại học và núp bóng dưới nhiều hoạt động phổ biến kiến thức.
Theo các quy định hiện nay, các VASP hoạt động không phép tại Việt Nam có nguy cơ vi phạm Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân khi thu thập dữ liệu cá nhân không hợp pháp; không bảo vệ dữ liệu cá nhân; sử dụng dữ liệu cá nhân không đúng mục đích.
Việc hoán đổi tài sản, đặc biệt là các giao dịch tài chính và bất động sản như mua bán stablecoin, khai thác coin, bán token ứng dụng trong GameFi, hay bán NFT, không được điều chỉnh trong các luật về thuế, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ các VASP này vi phạm quy định về thuế hay phòng chống rửa tiền.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký thị trường trái phiếu Việt Nam, tổng dòng tiền tài sản ảo quy ra USD đổ về thị trường Việt Nam lên tới 120 tỉ USD vào năm 2023.
Các chuyên gia cho rằng việc cấm giao dịch hay cấm các VASP hoạt động là không khả thi. Thay vào đó, cần nhanh chóng ban hành khung pháp lý phù hợp với các tiêu chuẩn phòng, chống rửa tiền.
Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc đóng thuế từ tài sản số nên được thực hiện như việc đóng thuế trúng vé số vì đầu tư tiền ảo cũng như mua vé số, tiền trúng là tiền may mắn.
Ông Phan Đức Trung cho rằng xây dựng các bộ tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn cộng đồng, tiêu chuẩn dự án và ứng dụng công nghệ RegTech (Công nghệ hỗ trợ tuân thủ quy định) truy vết on-chain có thể góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng gian lận, lừa đảo liên quan đến tài sản ảo.
Hội thảo "Khung pháp lý Tài sản ảo: Nhìn từ góc độ bảo vệ người dùng" với sự tham dự của hơn 300 khách mời, bao gồm các đại diện từ Văn phòng Trung ương Đảng, Toà án nhân dân TPHCM, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, Viện Kinh tế số Việt Nam, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số, Lãnh sự quán các nước Úc, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc,... |