Trải qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã có bước tiến triển lớn trong việc biến nước biển thành nhiên liệu. Đây có thể là bước ngoặt cho các loại phương tiện, máy móc muốn hoạt động hiệu quả vừa không tốn nhiều năng lượng, vừa không ảnh hưởng đến môi trường.
Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Hải quân Mỹ công bố kết quả của nghiên cứu mới, dùng nước biển và chất xúc tạo giúp tạo phản ứng chuyển nước thành nhiên liệu. Theo đó, nguyên lý hoạt động rất đơn giản, con tàu sẽ hút nước từ biển lên tàu từ đó đưa vào một quá trình để trở thành nhiên liệu, phần nước sau đó sẽ theo ống bơm trở lại ra biển.
Không chỉ vậy, quá trình này được lặp đi lặp lại giúp tàu có thể tự duy trì, chạy liên tục và thậm chí là mãi mãi nhờ nguồn nhiên liệu vô hạn ở xung quanh. Quá trình giúp chuyển đổi nước biển này thành nhiên liệu được gọi là dịch chuyển khí nghịc đảo. Cụ thể, phản ứng sẽ biến CO2 có trong nước biển thành CO rồi tổng hợp thành nhiên liệu. Để giúp phản ứng trơn tru hơn, nhóm nghiên cứu dùng chất xúc tác Mo2C, đây là hợp chất của molypden và carbon nóng chảy cực cao.
Nghiên cứu được Hải quân Mỹ thực hiện, trước mắt sẽ ứng dụng cho tàu quân sự nước này và sau đó sẽ triển khai rộng cho mục đích dân dụng. Ảnh: US Pacific Fleet/Flickr.
Qua thử nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy khi dùng những hợp chất và phản ứng kể trên, nhiên liệu được tạo ra với giá phải chăng hơn so với những hợp chất đắt đỏ trong các nghiên cứu trước đó. Không chỉ vậy, các chất này cũng có rất nhiều trong tự nhiên, dễ mua vì vốn đã được dùng rộng rãi trong các ngành công nghiệp.
“Những chất xúc tác có hiệu quả về kinh tế như K-Mo2C/γ-Al2O3 mở ra tương lai cho loại nhiên liệu mới. Chúng tôi đã thực hiện nhiều thử nghiệm với đủ loại chất, nhưng ở nghiên cứu lần này được đánh giá là khả qua nhất,” các nhà nghiên cứu tại Hải quân Mỹ nhìn nhận.
Cận cảnh một tàu chở dầu đang tiếp nhiên liệu cho tàu chính. Hình ảnh này sẽ sớm không còn nữa nhờ ứng dụng công nghệ mới giúp chuyển nước biển trực tiếp thành nhiên liệu. Ảnh: Getty Images.
Mặc dù hiệu suất năng liệu hiện tại đạt mức cao, cũng như thành phần đầu vào rẻ tiền và dễ tìm, nhưng nhóm nghiên cứu cho biết vẫn đang tiếp tục phát triển hơn nữa công nghệ này. Thực tế, nước biển và không khí tự nhiên không sạch như trong phòng thí nghiệm, nhóm cho biết sẽ tìm chất xúc tác giúp “lọc” sạch để tạo nguồn nhiên liệu bền vững hơn nữa trong tương lai gần.