Dù cổng Lightning đã tụt hậu so với USB-C, Apple vẫn có lý khi nói nên giữ đặc điểm này lại trên sản phẩm của mình

Sớm hay muộn, Apple cũng sẽ thay thế Lightning. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Apple muốn đầu hàng trước Ủy ban Châu Âu EC trong cuộc chiến cổng kết nối.

Ủy ban Châu Âu EC thường khá mạnh tay với các công ty Mỹ, và hiện tại Apple đang là một trong những "nạn nhân" của các chính sách cứng rắn đến từ EU. Theo chính sách mới đang được nhiều thành viên của Nghị Viện Châu Âu đề xuất, tất cả các nhà sản xuất điện thoại sẽ phải sử dụng một cổng sạc duy nhất nhằm giảm rác thải công nghệ.

Nếu chính sách này được ban bố, Apple sẽ là kẻ chịu thiệt hại nhiều nhất do tất cả các nhà sản xuất Android đều đã chuyển sang dùng USB-C. Chính Apple cũng đang có sự phân mảnh khi dùng Lightning trên iPhone và USB-C trên iPad Pro. So với USB-C, cổng Lightning đã 8 năm tuổi đã tồn tại các điểm yếu trầm trọng: tốc độ truyền tải dữ liệu thấp hơn và không hỗ trợ sạc nhanh.

Dù cổng Lightning đã tụt hậu so với USB-C, Apple vẫn có lý khi nói nên giữ đặc điểm này lại trên sản phẩm của mình - Ảnh 1.

Lightning quả thật đã quá lỗi thời trước

Trong phản hồi chính thức được công bố vài ngày trước, Apple nói việc phải từ bỏ Lightning sẽ gây ra một tác hại khó lường trước: ngăn cản sự tiến bộ của công nghệ. Dù rằng Lightning đã quá lỗi thời, quan điểm của nhà Táo thật ra lại không vô lý tới vậy.

Để hiểu vì sao Apple dám "vỗ mặt" EU, hãy cùng nhìn lại những chiếc smartphone Android trước thời kỳ USB-C. Cho đến tận 2015 và 2016, phần lớn các nhà sản xuất Android vẫn tiếp tục sử dụng microUSB cũ kỹ. So với Lightning, microUSB tồn tại khá nhiều điểm yếu, trong đó gây khó chịu nhất rõ ràng là thiết kế bất đối xứng gây khó chịu cho người dùng. Trên khía cạnh kỹ thuật, microUSB cũng có giới hạn điện năng thấp hơn 25% so với Lightning. Việc sở hữu một con chip gắn kèm cũng cho phép Lightning tạo ra thêm một lớp bảo vệ cho người dùng iPhone: họ không phải lo lắng điện thoại của mình đang bị gắn vào một thiết bị "lạ" có chứa chip nghe lén. microUSB hoàn toàn không có khả năng này.

Trong tuyên bố của mình, Apple có nhắc lại rất rõ ràng rằng, nếu năm 2009 công ty này cũng bị ép phải sử dụng microUSB (như những gì EC yêu cầu vào thời điểm đó), các cải tiến trên Lightning sẽ không bao giờ xuất hiện.

Dù cổng Lightning đã tụt hậu so với USB-C, Apple vẫn có lý khi nói nên giữ đặc điểm này lại trên sản phẩm của mình - Ảnh 2.

Nếu chấp thuận chuyển sang dùng USB-C, Apple sẽ mất quyền tạo ra các sáng tạo từng giúp Lightning vượt mặt microUSB.

Nói cách khác, quyền được tạo ra cổng kết nối riêng đã cho phép Apple đem đến nhiều sáng tạo trên ổ sạc và dây sạc trong quá khứ. Chính những đột phá của Apple cũng đã gây ảnh hưởng khá nhiều đến thiết kế của USB-C sau này: trước USB-C, nhiều nhà sản xuất Android còn từng dùng cổng dài "SuperSpeed" bất đối xứng và gây phân mảnh USB hơn nữa. Chống đối lại dự luật của EU không chỉ là bảo vệ cho cổng kết nối lỗi thời của hiện tại, mà còn là để bảo vệ cho những sáng tạo của tương lai nữa.

Thực tế, những lùm xùm hiện tại có thể sẽ sớm trở nên vô nghĩa nếu như iPhone 2020 chuyển sang USB-C. Chính Apple cũng đã đóng góp rất nhiều vào sự phổ biến của cổng kết nối này khi loại bỏ toàn bộ cổng cắm cũ và trang bị duy nhất một cổng USB-C lên chiếc MacBook ra mắt năm 2015, khi hầu hết các thương hiệu Android vẫn đang sử dụng microUSB. Việc thay thế Lightning giờ là tất yếu, và có lẽ quả thật Apple không hề tranh đấu để giữ lại sự sống cho cổng kết nối này. Apple chỉ cố gắng giữ quyền được vượt lên các đối thủ bất cứ khi nào họ muốn mà thôi.