Dùng công nghệ ngoại đào hầm hiện đại nhất Đông Nam Á nhưng bị thủng sau 5 tháng, chuyên gia ngoại bó tay, Việt Nam chốt tự xử lý, nay làm chủ công nghệ siêu phức tạp

Việt Nam tự tin làm chủ, thông hầm đường bộ phức tạp bậc nhất.
Dùng công nghệ ngoại đào hầm hiện đại nhất Đông Nam Á nhưng bị thủng sau 5 tháng, chuyên gia ngoại bó tay, Việt Nam chốt tự xử lý, nay làm chủ công nghệ siêu phức tạp- Ảnh 1.

Hơn 20 năm trước, khi quyết định làm hầm đường bộ Hải Vân 1 dài 6,2 km (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng), Việt Nam đã quyết định sử dụng công nghệ đào hầm NATM của Áo.

Thời điểm đó, vì không có kinh nghiệm nên Việt Nam đã thuê các kỹ sư Nhật Bản thi công, các kỹ sư Việt chỉ tham gia với vai trò phụ. Theo Bộ Giao thông Vận tải, công trình hầm Hải Vân đã được đánh giá là một trong những công trình giao thông có sự chuyển giao công nghệ thành công nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam.

Hầm Hải Vân 1 được phát lệnh khởi công tháng 8/2000 và cắt băng khánh thành ngày 5/6/2005, dài 6.280m, rộng 11,9m, cao 7,5m, có 18 điểm mở rộng đỗ xe khẩn cấp. Công trình được xem dài và hiện đại nhất Đông Nam Á lúc ấy.

Trong đó, liên danh Hazama (Nhật Bản) và Cienco 6 (Bộ Giao thông vận tải) đào đường hầm phía bắc (địa phận Thừa Thiên Huế). Và liên danh Công ty xây dựng Dong Ah (Hàn Quốc) và Tổng Công ty Sông Đà (Bộ Xây dựng) đào đường hầm phía nam (địa phận Đà Nẵng).

Với tổng chi phí đầu tư hơn 127 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng), hầm Hải Vân được xây dựng nhằm giải quyết triệt để những khó khăn, nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Hải Vân thuộc địa phận ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP. Đà Nẵng.

Đáng chú ý, chỉ sau 5 tháng thi công, đầu hầm phía Nam sạt lở, kéo theo một tảng đá mồ côi hơn 20 tấn cùng 600m³ đất đá đổ sập, tạo lỗ hổng dài 6m trên nóc hầm chính. Vết sụt lún tạo thành hang hình ống thông lên mái dốc với đường kính 3m, rộng trên 100m².

Các chuyên gia nước ngoài hoài nghi khả năng xử lý nền đất yếu của Việt Nam, khiến chủ đầu tư buộc phải thuê Công ty Kend Tunneling (Hồng Kông) khắc phục với giá 1 triệu USD. Thế nhưng, chỉ sau một tuần, Kend Tunneling rút lui. Tổng Công ty Sông Đà chính thức vào cuộc.

Nhóm kỹ sư trẻ của Công ty Sông Đà 10 nhận trọng trách xử lý. 4 tháng nỗ lực, đội ngũ kỹ sư Việt Nam đã xử lý thành công phần hầm chính gặp đất yếu, không chỉ đảm bảo tiến độ mà còn giúp tiết kiệm đáng kể chi phí: chỉ tốn 300.000 USD thay vì 1 triệu USD, chưa kể khoản vật liệu chỉ 12 tỷ đồng, so với mức 2 triệu USD mà Kend Tunneling yêu cầu.

Bằng phương pháp định vị qua vệ tinh GPS và công nghệ NATM, công trình đã chính thức hoàn thành sau 5 năm.

Sau khi hầm đường bộ qua đèo Hải Vân hoàn thành và khánh thành, ngành GTVT Việt Nam đã tiếp thu thành công các công nghệ trong phương pháp đào hầm NATM như công tác khảo sát, phân loại đất đá, quan trắc sự chuyển vị. Các kỹ sư Việt Nam cũng đã làm chủ phần mềm máy tính và nắm bắt quy trình quản lý một dự án hầm lớn.

Năm 2012, hầm Đèo Cả dài 4,2 km, nối Khánh Hòa - Phú Yên, đánh dấu bước tiến của kỹ sư Việt Nam khi thi công chính bằng NATM, với chuyên gia Nhật giám sát. Sau đó, các hầm Cù Mông (2,6 km), Hải Vân 2 (hơn 6 km), Núi Vung (hơn 2 km), Thung Thi... đều do đội ngũ Việt Nam tư vấn, thiết kế, giám sát và thi công.

Trong đó, hầm Hải Vân 2 do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, đây là công trình khó khăn bậc nhất về mặt kỹ thuật và giải pháp công nghệ. Vì đã nắm được các công nghệ, Đèo Cả thực hiện thành công các dự án phức tạp bậc nhất.

NATM là công nghệ hiện đại, áp dụng hệ thống cảm biến số hóa đặt dọc theo bề mặt hầm để liên tục đo đạc biến dạng và chuyển vị của địa chất quanh hầm. Dữ liệu này giúp đánh giá và điều chỉnh kịp thời các biện pháp thi công để tránh các rủi ro như sạt lở hay biến dạng.

Hệ thống phần mềm tích hợp giám sát, theo dõi tiến độ và phân bổ tài nguyên tự động. Công nghệ này giúp đảm bảo tiến độ, phối hợp các giai đoạn thi công như phun bê tông, cắm neo, và đặt lưới thép được thực hiện đúng lúc và đúng chỗ.

Cùng với đó, áp dụng công nghệ số, tính toán lượng kíp nổ tối ưu, có thể giảm 10-15% chi phí. Công nghệ thiết bị mới cũng áp dụng cho việc khoan đào, hệ thống GPS cho phép định vị chính xác khi đào từ hai đầu núi dù khoảng cách hàng km, giúp đo tâm đường hầm hai phía có lệch nhau hay không.