Mặc dù có mức giá đắt đỏ bậc nhất trên thị trường hiện nay, tuy nhiên Galaxy Fold lại không hề bền - ít nhất là khi xét về mặt lý thuyết. Thiết kế của chiếc máy này tồn tại rất nhiều điểm rủi ro mà có thể biến thành hỏng hóc trong quá trình sử dụng của người dùng.
Không chỉ sở hữu lớp vỏ ngoài bằng kính mỏng manh và dễ vỡ, mà thiết kế màn hình gập của Galaxy Fold còn mở ra hai vấn đề:
1. Cơ chế gập mở của Galaxy Fold, mà cụ thể ở đây là bản lề, có thể sẽ xuống cấp và "rệu rạo" qua thời gian.
2. Màn hình chính của Galaxy Fold, do được làm bằng nhựa và không phải là kính, sẽ rất dễ bị trầy xước và hư tổn. Chính Samsung cũng khuyến cáo người dùng nên "nhẹ tay" khi thao tác với màn hình này để tránh trường hợp hư tổn.
Thực tế mà nói, vấn đề thứ nhất không thật sự đáng lo ngại bởi lẽ (1) người dùng có thể phần nào phòng tránh được nếu như gập mở một cách nhẹ nhàng, và (2) theo công bố của Samsung, bản lề Galaxy Fold có thể "chịu" được 200.000 lần gập mở, tương đương 5 năm sử dụng và là khoảng thời gian quá đủ đối với đa số người dùng.
Vấn đề thứ hai mới là vấn đề chính của Galaxy Fold. Bởi lẽ, việc màn hình bị xước là điều không thể tránh khỏi qua thời gian sử dụng, cho dù người dùng có cẩn thận đến mấy. Thông thường, người dùng sẽ dán một lớp film hay kính cường lực để bảo vệ màn hình, tuy nhiên với Galaxy Fold thì Samsung nghiêm cấm người dùng làm điều này.
Màn hình nhựa mỏng manh của Galaxy Fold.
Chính vì vậy, điều mà chúng tôi rất mong muốn có cơ hội kiểm chứng khi có cơ hội trải nghiệm Galaxy Fold là độ bền của màn hình. Khác với một số bài "stress test" khác khi mà một số người đã cố tình sử dụng sai cách (dùng vật sắc nhọn để rạch, bẻ ngược...), chúng tôi sử dụng Galaxy Fold nhẹ nhàng như một người dùng bình thường để có thể phản ánh chân thật nhất.
Sau một tháng sử dụng Galaxy Fold "trần", chiếc máy của tôi ra sao?
Đầu tiên, cần phải khẳng định rằng chiếc Galaxy Fold của tôi vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường. Sở dĩ phải nhấn mạnh điều này bởi lẽ sự cố hồi tháng 4/2019 khi mà chiếc Galaxy Fold của một vài đơn vị truyền thông Mỹ bị hỏng màn hình chỉ sau một vài ngày sử dụng đã khiến nhiều người cũng mang tâm lý lo lắng (kể cả khi Samsung đã tiến hành gia cố thêm cho chiếc máy này sau khi sự cố trên xảy ra).
Những điều chỉnh của Samsung đã cho thấy rõ sự hiệu quả, bởi lẽ từ thời điểm Samsung mở bán chiếc máy này vào tháng 9/2019, chưa ghi nhận nhiều trường hợp chiếc máy này bị hỏng màn hình. Và chiếc máy của tôi cũng vậy - nó vẫn hoạt động hoàn hảo như ngày đầu tôi sử dụng nó.
Thế nhưng, thứ mà chúng ta thực sự quan tâm là màn hình này sẽ "hao mòn" ra sao?
Trong điều kiện lý tưởng, màn hình của Galaxy Fold sẽ giống như bức ảnh này: sạch sẽ, không một vết bẩn. Tuy nhiên, bức ảnh này được tôi chụp sau khi đã lau rất cẩn thận màn hình của chiếc máy này bằng một chiếc khăn microfiber.
Màn hình của Galaxy Fold sau khi được lau chùi cẩn thận: sạch sẽ, sáng bóng.
Còn thực tế khi sử dụng, màn hình của Galaxy Fold sẽ như thế này. Một trời một vực, phải không?
... nhưng thực tế sử dụng thì nó như thế này đây.
Việc màn hình của Galaxy Fold bị bẩn có lẽ là vấn đề lớn nhất mà tôi gặp phải. Smartphone thông thường với màn hình bằng kính cũng bị bẩn, nhưng người dùng có thể dễ dàng lau chúng bằng chính quần áo mình đang mặc. Còn với Fold và màn hình mỏng manh, người dùng lo sợ hỏng hóc nên cũng hạn chế làm điều này hơn. Ngoài ra, tôi cũng cảm thấy màn hình của Galaxy Fold khó để lau sạch hơn, có lẽ do nó được làm bằng nhựa.
Sau bẩn là đến bụi. Xung quanh màn hình của Galaxy Fold được bao bọc bằng một lớp viền nhựa, và giữa màn hình và lớp viền này là một khe hở rất nhỏ. Tuy nhỏ, nhưng nó đủ rộng để bụi có thể lọt vào. Ngoài ra, do những lớp bụi này nằm ở sát cạnh màn hình, vì vậy tương đối khó để có thể lau sạch chúng.
Bụi bám xung quanh viền màn hình và rất khó để lau sạch
Cuối cùng là những vết xước. Như đã nói ở trên, xước là điều không thể tránh khỏi. Nếu như những smartphone với màn hình được làm bằng kính còn xước, thì Galaxy Fold với màn hình bằng nhựa mỏng manh bị xước là điều hiển nhiên. Chiếc Galaxy Fold của tôi cũng bị xước màn hình, nhưng điều đáng nói là những vết xước này rất khó nhận ra và hoàn toàn không ảnh hưởng đến trải nghiệm. Thực tình, "vết hằn" ở giữa màn hình của Galaxy Fold còn khó chịu hơn nhiều.
Những vết xước không phải là vấn đề lớn như tôi từng nghĩ.
Đương nhiên, bên cạnh phần màn hình chính ở trong thì chúng ta cũng cần phải điểm qua phần màn hình phụ và mặt lưng ở ngoài. Sở dĩ nói là "điểm qua" bởi không có quá nhiều điều để nói về nó. Toàn bộ lớp vỏ ngoài của Galaxy Fold được bao phủ bởi lớp kính cường lực Gorilla Glass như mọi smartphone khác, vì vậy độ bền của nó cũng ở mức tương tự. Phần viền thép của máy cũng không có dấu hiệu hao mòn.
Để tổng kết lại, Galaxy Fold không phải chiếc máy bền nhất, nhưng cũng không quá mỏng manh như nhiều người nghĩ. Dù vậy, có thể thấy rõ rằng độ bền sẽ vẫn là yếu tố chính mà Samsung cần tập trung cải thiện trên các thế hệ smartphone màn hình gập tiếp theo.