Elon Musk mua đứt Twitter, rồi sao nữa?

Mạng xã hội Twitter – hiện có hơn 1,3 tỷ tài khoản đã thuộc sở hữu của người đàn ông giàu nhất thế giới. Vậy những diễn biến tiếp theo sẽ là gì?
Chia sẻ

Sau khi tỷ phú Elon Musk thành công mua trót lọt Twitter với khoảng 44 tỷ USD, giới trong ngành đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về việc công ty sẽ thay đổi như thế nào dưới sự lãnh đạo của ông. Liệu ông chủ Telsa có làm cho mạng xã hội này trở nên tốt hơn, sử dụng trí thông minh sắc bén và sự hiểu biết kinh doanh của mình để thúc đẩy những thay đổi hay sẽ đưa ra những biện pháp loại bỏ sự quấy rối, xung đột và thông tin sai lệch?

Elon Musk mua đứt Twitter, rồi sao nữa? - 1
Elon Musk mua đứt Twitter, rồi sao nữa? - 2

Vào những năm 2007, Twitter không gây nhiều tranh cãi như bây giờ. Trên thực tế, trong những ngày đầu của nền tảng, đây là một nơi tương đối yên tĩnh, nơi mọi người thường chia sẻ những hình ảnh về món ăn, cố gắng tìm những thông tin mới.

Mạng xã hội này từng là nơi có tinh thần vui vẻ và thiện chí. Mọi thứ hoàn toàn bị đảo lộn khi các nhà quảng cáo phát hiện ra chúng, khi những kẻ thù ghét biến mạng xã hội này thành một "bãi rác" được chính trị hóa, những kẻ thao túng và những thông tin sai lệch bủa vây.

Tất nhiên, việc lan truyền thông tin sai lệch và hành động gây thù địch, chia rẽ không phải là một hiện tượng mới. Nhưng các mạng xã hội như Twitter đã làm cho việc này trở nên dễ dàng và nhanh hơn rất nhiều.

Về lợi ích, mạng xã hội nói chung là một công cụ giao tiếp tuyệt vời, giúp người dùng có thể tương tác với các ngôi sao, chính trị gia và giám đốc điều hành trong một không gian mở.

Elon Musk mua đứt Twitter, rồi sao nữa? - 3

Vị tỷ phú Elon Musk.

Nền tảng này, giống như hầu hết các mạng xã hội đang phải chống chọi với những điều tồi tệ nhất - quấy rối, lừa đảo, đe dọa,..là nơi ẩn náu của thông tin sai lệch và phân biệt chủng tộc. Vậy việc Elon Musk sở hữu Twitter sẽ làm cho mạng xã hội này trở nên tốt hơn, tệ hơn - hay cả hai theo những cách khác nhau?

Thực tế là chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng khi người đàn ông giàu nhất thế giới mua một mạng xã hội, không khó để tưởng tượng người đó có thể kiểm soát chúng như thế nào.

Brent Leary, người sáng lập và nhà phân tích chính tại CRM Essentials tỏ ra khá lo lắng về việc một người phụ trách có thể khiến Twitter dễ bị lạm dụng. Trong trường hợp xấu nhất, ông Musk có thể biến Twitter thành “sân chơi” xã hội cá nhân của riêng mình và thao túng chúng.

Trường hợp lý tưởng nhất, ông sẽ cải thiện một số vấn đề tồn tại đã kéo nền tảng này xuống trong nhiều năm. Trong một tuyên bố về thỏa thuận, ông Musk tuyên bố muốn "làm cho Twitter tốt hơn bao giờ hết bằng cách nâng cao sản phẩm với các tính năng mới, biến các thuật toán thành mã nguồn mở để tăng độ tin cậy, loại bỏ thư rác và xác thực tất cả người dùng."

Holger Mueller, một nhà phân tích tại Constellation Research thì lạc quan hơn về tương lai do Musk phụ trách: “Musk đang trở lại nơi anh ấy bắt đầu - trở lại với phần mềm. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là chìa khóa để đảm bảo Twitter hoạt động độc lập và anh ấy sẽ chỉ cải thiện dịch vụ.”

Nhà phân tích cho biết thêm: "Điều đó sẽ khiến các cổ đông và các nhà đầu tư vô cùng hài lòng. Người đàn ông này hoàn toàn có thể thúc đẩy nền tảng với sự hiện diện của mình. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy một số đổi mới phần mềm bao gồm nút chỉnh sửa, các cuộc trò chuyện theo chuỗi và hoạt động kinh doanh tốt hơn với việc kiểm duyệt, quản lý người dùng."

Elon Musk là vị tỷ phú và doanh nhân thành công nhất thế giới. Việc người đàn ông này chi một khoản tiền lớn để mua mạng xã hội Twitter sẽ còn gây ra nhiều tranh cãi với giới trong ngành. Chắc chắn, ông sẽ có được lợi tức đầu tư vững chắc trên một nền tảng sử dụng DAU (Daily Active Users - Người dùng hoạt động hàng ngày) và MAU (Monthly Active Users - Người dùng hoạt động hàng tháng) làm tiền tệ.

Dù người dùng có ra đi hay ở lại, Elon Musk là nhà độc tài nhân đạo hay chuyên quyền, thời gian sẽ đem lại câu trả lời. Cùng chờ xem người giàu nhất thế giới sẽ làm gì khi sở hữu Twitter trong thời gian tới.