Hồi tháng 5, giám đốc điều hành Tesla Elon Musk thông báo toàn bộ nhân viên sẽ phải quay trở lại văn phòng làm việc, với tối thiểu 40 giờ "cống hiến" mỗi tuần. Ba tháng kể từ khi tuyên bố này được đưa ra, Tesla cho đến nay vẫn không có đủ không gian và nguồn lực để thực hiện chính sách làm việc mới. Sự khắc nghiệt đã khiến tinh thần nhân sự Tesla giảm sút, nhất là đối với những người từng được phép làm việc từ xa trước đại dịch.
Sau khi mở rộng quy mô nhân sự trong những năm gần đây, Tesla hướng trọng tâm vào việc xây dựng các trung tâm quốc tế và một nhà máy ở Texas. Mục tiêu là vậy, song hãng xe điện này hiện vẫn chưa xây dựng đủ văn phòng làm việc mới. Các cơ sở ở Nevada và California cũng chưa đủ các thiết bị cần thiết nên nhân viên văn phòng và người lao động có hợp đồng dài hạn không thể đến văn phòng tới 40 tiếng/tuần.
Theo nguồn tin của CNBC, kế hoạch của Tesla là đưa các nhân viên ở khu vực vịnh San Francisco (bang California) đến văn phòng làm việc 3 ngày/tuần. Tuy nhiên, tình trạng thiếu ghế, chỗ làm việc, nơi đậu xe và một số nguồn lực khác khiến Elon Musk cắt giảm thời gian làm việc tại văn phòng xuống còn 2 ngày/tuần.
Tình trạng thiếu ghế, chỗ làm việc, nơi đậu xe và một số nguồn lực khác khiến Elon Musk cắt giảm thời gian làm việc tại văn phòng xuống còn 2 ngày/tuần.
Ngay cả các thiết bị đơn giản như dây kết nối, dây sạc cũng đang thiếu hụt. Vào những ngày đông nhân viên, nhiều người phải ra ngoài để gọi điện vì Tesla không có đủ phòng họp hay bốt điện thoại văn phòng để phục vụ cho tất cả.
Theo CNBC, Tesla hiện đang giám sát việc đi làm của nhân viên. Báo cáo chi tiết về tình trạng vắng mặt mỗi tuần của từng người đều được ghi chép lại. Theo hồ sơ nội bộ, vào đầu tháng 9, trong một ngày làm việc bình thường ở Fremont, bang California, nơi đặt nhà máy lắp ráp xe điện đầu tiên của Tesla, khoảng 1/8 nhân viên không có mặt ở văn phòng. Đối với toàn bộ các văn phòng của Tesla, trong một ngày làm việc bình thường, số nhân viên vắng mặt chiếm tới 1/10. Tỷ lệ này không thay đổi nhiều so với tháng 3, thời điểm trước khi Musk đưa ra yêu cầu đến văn phòng làm việc, và thậm chí còn tăng đột biến vào cuối tuần và gần ngày lễ.
Thời điểm trước đại dịch, các quản lý tại Tesla đã cho phép một số nhóm nhân viên được làm việc linh hoạt. Những yêu cầu nghiêm ngặt của Musk, về lý thuyết, sẽ xóa bỏ quyền lợi này. Tuy nhiên, một số nhân viên đặc biệt vẫn sẽ được cân nhắc.
Đầu tháng 6, ngay sau khi Musk yêu cầu tất cả nhân viên làm việc tối thiểu 40 tiếng mỗi tuần, Tesla tuyên bố cắt giảm số lượng lớn nhân viên
Đầu tháng 6, ngay sau khi Musk yêu cầu tất cả nhân viên làm việc tối thiểu 40 tiếng mỗi tuần, Tesla tuyên bố cắt giảm số lượng lớn nhân viên. Khi đó, bộ phận nhân sự của Tesla đã hỏi các nhân viên sống cách xa công ty, rằng liệu họ có thể chuyển nhà và đến văn phòng làm việc hay không. Những nhân viên từ chối đều đã bị sa thải vào tháng 6 mà không được báo trước.
Khó khăn nhất là những công nhân nhập cư. Họ có thể bị mất thị thực bất cứ lúc nào nếu bị công ty đột ngột sa thải. Chính sách khắc nghiệt khiến Tesla mất đi lợi thế lớn trong việc tuyển dụng và giữ chân các nhân tài trung thành. Rất nhiều người đã đệ đơn xin nghỉ việc vì mong muốn sự linh hoạt và an toàn hơn.
Với chính sách được cho là vô cùng hà khắc và xem nhẹ nhu cầu, mong muốn thực tế này của nhiều công nhân Mỹ, Musk nghĩ rằng mình có thể quản lý và tận dụng sức lao động tốt hơn. Song theo nhiều chuyên gia, sự độc đoán này hại nhiều hơn lợi và sẽ khiến ngày càng nhiều nhân tài rời bỏ đế chế Tesla.
CNN cho rằng, rõ ràng, chính sách của Tesla đã bỏ qua 60% lao động Mỹ - những người đang làm những công việc từ xa hậu đại dịch, theo một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Trong đó, phụ nữ và một số đối tượng lao động dễ bị tổn thương đặc biệt có xu hướng muốn làm việc tại nhà toàn thời gian để chăm sóc con cái và gia đình. Cảm giác bị phân biệt giới tính tại văn phòng cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ không còn muốn đến công ty làm việc trực tiếp.
Tuy nhiên, trong một báo cáo hồi năm 2021 của Tesla, công ty cho biết luôn tự hào về cách họ giúp nhân viên cảm nhận tinh thần kết nối, ngay cả khi làm việc từ xa.
"Trong thời kỳ đại dịch, chúng tôi tập trung rất nhiều vào việc tăng cường đóng góp cho cộng đồng và đảm bảo nhân viên của mình luôn được kết nối. Cụ thể, chúng tôi mở rộng nhóm nhân viên nguồn (ERG) và đảm bảo chương trình có thể truy cập từ xa. Chúng tôi đảm bảo nhân viên của mình cảm thấy được lắng nghe và kết nối nhiều hơn bao giờ hết khi họ tham gia các sự kiện ảo thúc đẩy hòa nhập nội bộ".
Trước đó, Elon Musk cũng hàm ý chê người Mỹ "cố tránh đi làm", trong khi nhân viên Trung Quốc "chẳng ngại vào ca lúc 3 giờ sáng".
"Có rất nhiều người tài giỏi, chăm chỉ ở Trung Quốc, và họ tin vào lĩnh vực sản xuất", Musk nói trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times hôm 10/5. "Họ thức khuya, làm việc tới nửa đêm, thậm chí cả lúc 3 giờ sáng".
Trong khi đó, nhiều người vẫn ca ngợi khả năng đánh giá và tuyển dụng nhân tài của tỷ phú người Nam Phi, mặc dù họ cũng lưu ý rằng những người lao động không thuộc lòng những quy tắc mà Elon Musk đặt ra có thể sẽ sớm phải ra đi.
"Nếu Elon Musk nhận thấy những điểm không tốt từ bạn, khả năng bạn phải ra đi là khá cao. Ông ấy thuê những người giỏi nhất về làm việc cho mình. Ông ấy là người thông minh nên biết cách để thuê những người thông minh", Carl Medlock, một cựu Giám đốc khu vực của Tesla, nhấn mạnh. "Elon Musk là một người đàn ông tốt. Bộ óc thông minh cũng chính là điểm làm nên sự đáng sợ của người đàn ông này, nhưng nếu nhìn theo một hướng tích cực, điều đó tốt cho doanh nghiệp".
Ngoài ra, Carl Medlock cũng chia sẻ thẳng thắn về phong cách lãnh đạo có phần hà khắc của Elon Musk. Vị cựu lãnh đạo cho biết CEO Tesla "không có chút gì là xã giao" ở nơi làm việc và hiếm khi tương tác với cấp dưới, trừ khi ông cần giải quyết một vấn đề cấp bách.
"Bạn không nên tranh luận với Elon Musk. Nếu Musk quyết định 'đây sẽ là hướng chúng ta sẽ đi', điều tốt nhất mà bạn nên làm là đi theo hướng đó. Elon Musk không phải là người để người khác cãi lời", Carl Medlock nói.
Theo: CNBC, Bloomberg