EU đưa Temu vào "tầm ngắm"

Các nhà bán lẻ châu Âu đã bày tỏ sự quan ngại khi các nền tảng thương mại Trung Quốc như Temu và Shein có thể bán với giá rất rẻ cùng với tốc độ giao hàng rất nhanh.

Không chỉ Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) cũng theo dõi rất sát sao các nền tảng thương mại nước ngoài gia nhập và hoạt động tại khu vực của họ. Các nhà chức trách EU đã bày tỏ quan ngại về sự tràn ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc cũng như nguy cơ hàng giả. Trong khi đó, các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Temu đều khẳng định, họ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của EU. Các chuyên gia thị trường đánh giá, thương mại điện tử có thể là điểm nóng tiếp theo trong quan hệ thương mại giữa Liên minh châu Âu EU và Trung Quốc.

Nền tảng thương mại điện tử Temu đang trở thành đề tài nóng tại châu Âu. Mặc dù mới chỉ hiện diện tại các nước EU một năm, nhưng Temu đã đạt tỷ lệ thâm nhập ở Pháp là 11,9%. Tỷ lệ thâm nhập đo lường phần trăm khách hàng mục tiêu sử dụng sản phẩm của nền tảng. Rất nhiều người dùng của Temu là các khách hàng ở độ tuổi ba mươi và bốn mươi với mức chi tiêu trung bình là 112,5 Euro mỗi năm, tương đương 3 triệu đồng.

Các nhà bán lẻ châu Âu đã bày tỏ sự quan ngại khi các nền tảng thương mại Trung Quốc như Temu và Shein có thể bán với giá rất rẻ cùng với tốc độ giao hàng rất nhanh khiến các nền tảng nội địa không cạnh tranh nổi. Năm 2024, EU đã đưa Temu vào diện các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu cần được giám sát chặt chẽ.

Ông Thomas Regnier - Người phát ngôn của EC cho biết: "EC xác định Temu là một nền tảng thương mại điện tử quy mô rất lớn theo tiêu chí của Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số. Temu có thể tiếp cận tới hơn 45 triệu người dùng tại EU và như vậy phải tuân thủ các nghĩa vụ của Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số kể từ tháng 2 năm nay"

Để bảo vệ các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa nội khối EU trước sự cạnh tranh của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, EU đang cân nhắc loại bỏ việc miễn trừ thuế quan áp dụng cho các bưu kiện thương mại điện tử có giá trị dưới 150 Euro, tương đương 4,1 triệu đồng, được gửi từ bên ngoài Liên minh châu Âu EU. EU cũng yêu cầu các nền tảng Trung Quốc công khai nhiều thông tin hơn về cách thức hoạt động và nỗ lực bảo vệ khách hàng trước hàng giả và kém chất lượng.

Trong khi đó, Temu khẳng định luôn xem an toàn của người dùng là ưu tiên hàng đầu. Temu cũng cam kết hợp tác toàn diện với các nhà chức trách châu Âu.