Đến hẹn lại lên, FaceApp mỗi năm lại tái xuất khiến dân mạng phát cuồng, thi nhau selfie và đăng ảnh kèm hashtag. Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2017, ứng dụng chỉnh sửa ảnh của một công ty đến từ Nga cho phép người dùng được chọn lại giới tính của mình.
Được tích hợp trí tuệ nhân tạo, phần mềm có thể gắn tóc giả cho nam, dán râu fake cho nữ, cũng như chỉnh sửa một số đường nét trên khuôn mặt, tạo ra bức chân dung đẹp như trai thật gái xịn, khiến ai cũng phải tò mò mà tải về sử dụng, phút chốc tạo nên trending trên mạng xã hội.
Công nghệ bên trong FaceApp
Cách vận hành của ứng dụng này, đơn giản chỉ là xác định khuôn mặt rồi thêm bớt hay chỉnh sửa chi tiết trên đó. Tuy nhiên làm sao để nhận diện được mặt người và biết được đâu là nơi cần tác động, đâu là background hay những chi tiết không liên quan?
Trí tuệ nhân tạo nhận diện mặt người ở mức độ gần như chính xác.
FaceApp cũng như nhiều công ty công nghệ khác, sở hữu trí tuệ nhân tạo với kho dữ liệu khuôn mặt khổng lồ. Từ đây, AI có thể xác định được mặt người với độ chính xác gần như con người nhận diện đồng loại. Đây là một trong những cấp độ cao nhất của máy học và nó khiến giới khoa học ngạc nhiên bởi quá trình phát triển rất nhanh.
Devin Pickell, biên tập viên tờ Learning Hub G2, chia sẻ: “Trí tuệ nhân tạo ngày nay được nạp nhiều dữ liệu đến nỗi chúng có thể học xong một điều gì đó trong thời gian nhanh không tưởng. Các tập đoàn công nghệ như Google, Apple, Facebook, Microsoft và nhiều công ty nhỏ, có lượng người dùng đủ lớn để AI học cách nhận diện thật nhanh.”
FaceApp từng gây sốt nhiều năm trước với tính năng xem trước bản thân khi già sẽ ra sao.
Qua mỗi năm, mỗi phiên bản cập nhật, FaceApp lại có thêm hàng triệu khuôn mặt mới, giúp thuật toán của nó ngày càng chính xác hơn. Giờ đây, việc chuyển giới, cải lão hoàn đồng, già đi trước tuổi,... được thực hiện gần như hoàn mỹ, khiến lượng người dùng lại càng tăng thêm gấp bội.
Những công nghệ siêu giả
Không chỉ nuôi râu trồng tóc, mà trí tuệ nhân tạo ngày nay còn làm giả được cả khuôn mặt, giọng nói, nét chữ và nhiều thứ cá nhân khác và được gọi là “deepfake”.
Nhóm nghiên cứu openDemocracy dựng một video deepfake, khiến cựu Tổng thống Obama phải phát biểu những gì mà ông chưa từng nói.
Chỉ với một khuôn mặt, giọng nói mẫu ban đầu, máy tính sẽ quét những đặc điểm riêng biệt của người đó rồi tạo ra một phiên bản khác giống hoàn toàn. Từ đó, nhân vật được tạo giả kia sẽ nói chuyện hoặc thực hiện nhiều hành động như thật, khiến đối phương khó nhận biết trước mắt mình chỉ là sản phẩm của AI.
Deepfake được ứng dụng để “hồi sinh” nhiều người nổi tiếng qua đời, để họ trò chuyện trong các buổi hội thảo, đêm nhạc, tạo cảm giác thân mật với người hâm mộ. Công nghệ này cũng được dùng để phục dựng tượng, tranh ảnh hoặc các tác phẩm lịch sử, khảo cổ.
Nhờ deepfake, những bức tranh cổ điển hay nhân vật lịch sử cũng có thể biểu lộ cảm xúc. Ảnh: Samsung.
Tuy vậy, giới khoa học khuyến cáo không nên lạm dụng công nghệ vì nó có thể được dùng vào mục đích xấu, chẳng hạn đóng giả một người để thực hiện hành vi phạm pháp, ghép mặt vào phim khiêu dâm hay qua mặt khóa bảo mật khuôn mặt.
Các chuyên gia cảnh báo
Dù chưa có một nghiên cứu chính thức hay khảo sát quy mô lớn nào, nhưng nhiều chuyên gia công nghệ bày tỏ sự lo ngại về FaceApp và những phần mềm tương tự. Việc nhận diện và xử lý khuôn mặt dẫn đến nhiều nguy cơ về tính bảo mật.
Khuôn mặt là một trong những dữ liệu cá nhân rất quan trọng trong thời buổi công nghệ ngày nay.
Will Strafach, Giám đốc điều hành VPN Guardian Firewall, cho biết người dùng cần đọc kỹ điều khoản và điều kiện sử dụng trước khi bắt đầu. Ở FaceApp, ứng dụng không xử lý ảnh trên điện thoại mà tải ảnh lên đám mây, chỉnh sửa rồi mới gửi kết quả về.
“Dữ liệu riêng tư mang tính nhạy cảm không nên được tùy tiện upload ở máy chủ các công ty, chúng ta không biết được thông tin đó sẽ đi về đâu và sử dụng cho mục đích gì. Đối với một app chỉnh ảnh, tác phẩm nên được hoàn thiện ngay trong máy người dùng,” ông cho biết.
Mặc dù chưa có cảnh báo chính thức nhưng các chuyên gia cho biết người dùng cần cân nhắc và thận trọng.
Trang tin công nghệ Evening Standard phát hiện FaceApp không chỉ tải lên ảnh đã chỉnh sửa mà còn tải nhiều ảnh khác trong thư viện, thậm chí là toàn bộ gallery. Ứng dụng cũng từng gây tranh cãi vào năm 2019 vì chính sách của app rất sơ sài và thiếu sự bảo vệ thông tin riêng tư.
Đại diện hãng bảo mật Kaspersky của Nga cho biết, mặc dù ứng dụng chỉ mang mục đích giải trí đơn thuần và chưa phát sinh vấn đề nào về quyền riêng tư, nhưng khuôn mặt là một dữ liệu nhạy cảm có thể dùng để bảo mật tài liệu, người dùng nên thận trọng.
Nhiều vụ việc rao bán dữ liệu người dùng với giá rẻ mạt từng được phanh phui, nếu số thông tin này lọt vào tay tội phạm mạng sẽ mang đến nhiều rủi ro cho người dùng. Mặc dù chưa có khuyến cáo nào từ cơ quan hữu trách, người sử dụng cũng cần cân nhắc trước khi bắt đầu.