Facebook dung túng quảng cáo cá độ bóng đá mùa World Cup

Mùa World Cup, quảng cáo Facebook về cá độ bóng đá nhiều nhưng dường như nền tảng này không có biện pháp gì ngăn chặn, xử lý - Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do nói.
Facebook dung túng quảng cáo cá độ bóng đá mùa World Cup - Ảnh 1.

Những nội dung quảng cáo cá độ bóng đá dễ thấy trên Facebook.

Trao đổi tại Hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng, ông Lê Quang Tự Do nêu thực trạng YouTube, Facebook và một số mạng xã hội khác đang cho người dùng đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật, bật kiếm tiền, cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó.

Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết đã nhiều lần làm việc với các nền tảng xuyên biên giới này, yêu cầu chấn chỉnh. Hiệu quả chuyển biến tuy có nhưng không triệt để, chậm trong khắc phục xử lý các tồn tại.

Dẫn chứng, Cục trưởng Lê Quang Tự Do nêu thực trạng trong thời gian World Cup 2022 đang diễn ra, trên Facebook đã xuất hiện nhiều quảng cáo cá độ bóng đá nhưng dường như nền tảng này không có động thái nhằm ngăn chặn, xử lý.

Facebook dung túng quảng cáo cá độ bóng đá mùa World Cup - Ảnh 2.

Ông Lê Quang Tự Do cho rằng việc khắc phục vi phạm đối với nền tảng xuyên biên giới như Facebook còn chưa triệt để.

Từ thực tế triển khai quản lý quảng cáo trên không gian mạng, Cục trưởng nêu lên nhiều khó khăn, trong đó, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; không thông báo thông tin liên hệ hoặc thông báo chưa đầy đủ. Các công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung quảng cáo, vị trí quảng cáo cũng chưa bảo đảm hiệu quả.

Cơ chế quản lý nội dung, bật kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc bảo đảm an toàn cho thương hiệu và tuân thủ quy định pháp luật. Cơ chế xử lý và khắc phục vi phạm còn chưa triệt để.

Cùng với đó là việc các nhãn hàng, đại lý quảng cáo thì chủ quan, chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan, trên các trang thông tin điện tử vi phạm, kém chất lượng. Không sử dụng hoặc không cập nhật thường xuyên danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo khỏi vị trí vi phạm.

Hậu quả là, trên không gian mạng đang có thực trạng các quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt Nam bị gắn tràn lan vào nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, thông tin sai sự thật; khiêu dâm, trái với thuần phong mỹ tục; giật gân, câu view, vi phạm bản quyền ở rất nhiều video xấu độc trên YouTube, Facebook.