Bài viết của anh Ralph Jennings tại Forbes
Việc Việt Nam tự phát triển smartphone có lẽ là một hướng đi kinh tế thông minh. Nước này trong suốt 30 năm qua đã có những bước tiến lớn trong việc sản xuất và lắp ráp các thiết bị điện tử. Samsung Electronics cũng đã đầu tư vào đây tới 17.3 tỷ USD để xây dựng những nhà máy của riêng họ. Trường học luôn đặt việc các môn học khoa học - điện tử lên hàng đầu, những sinh viên đã tốt nghiệp và có kinh nghiệm làm việc ở các công ty lớn chắc chắn cũng biết cách làm ra 1 chiếc smartphone hoàn chỉnh.
Các công ty Việt Nam cũng đã sản xuất ra một số mẫu smartphone, thường là các mẫu Android giá rẻ. Chiếc QPhone và BPhone là một trong những sản phẩm đầu tiên được thương mại hóa. Và giờ Vsmart - một thương hiệu con của tập đoàn Vingroup cũng đang bán một số smartphone với mức giá chỉ 100 USD.
Vấn đề lớn nhất được đặt ra đó là: Người Việt lại không mua những sản phẩm do chính nước mình làm ra, vì họ có thể mua được những sản phẩm từ những tên tuổi lớn hơn với cùng một số tiền.
Ông Maxfield Brown đến từ công ty tư vấn Dezan Shira & Associates tại Hồ Chí Minh cho rằng người dân Việt Nam 'chuộng' những sản phẩm đến từ các hãng lớn. "Người tiêu dùng Việt thích chọn những sản phẩm điện tử quốc tế, và tôi cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn khi mà mức chi tiêu ngày càng tăng lên."
Thế giới di động - chuỗi cửa hàng của công ty đầu tư Mobile World. Khi chủ tịch của Mobile World là ông Nguyễn Đức Tài tuyên bố sẽ 'thực hiện một cuộc cách mạng smartphone tại Việt Nam', nhiều người đã không tin - nhưng quả thực ông ấy đã làm được khi Mobile World hiện là công ty bán nhiều smartphone nhất tại Việt Nam.
Lịch sử tóm gọn về những smartphone 'cộp mác Việt Nam'
Tập đoàn Bkav Corp là hãng phát triển smartphone Việt Nam sớm nhất, từ năm 2017. Chiếc BPhone đầu tay và phiên bản kế nhiệm BPhone 2 đều gặp phải những đánh giá không tốt từ người dùng. Tổng cộng 2 chiếc máy này chỉ bán được 12.000 chiếc. CEO của hãng là ông Nguyễn Tử Quảng công nhận sự thất bại, nhưng vẫn lạc quan và nói rằng hãng sẽ trở thành "Apple hoặc Samsung của Việt Nam trong tương lai". Chiếc BPhone 3 (có giá 314 USD) được ra mắt năm ngoái có vẻ 'khá khẩm' hơn khi được người dùng khen về tốc độ xử lý và khả năng chống nước tốt.
Tuy vậy khi vào những cửa hàng smartphone lớn tại Hồ Chí Minh, ta vẫn không nhìn thấy những chiếc BPhone ở đâu. Nhiều người mua hàng thậm chí muốn mua còn không hiểu phải đặt hàng ở đâu. Những hãng như Masstel và Mobiistar cũng ra mắt một vài mẫu của riêng mình, nhưng cũng không 'thấm vào đâu' khi đặt cạnh những tên tuổi như OPPO, Samsung và Sony.
Những smartphone 'nhà trồng được' của Việt Nam chỉ chiếm thị phần 1% trong Quý vừa qua theo số liệu của IDC, quả thực là rất nhỏ so với Samsung (42.8%), OPPO (23.2%) và Xiaomi (6.5%). Vsmart - thương hiệu con của tập đoàn Vingroup có tham vọng thay đổi tình hình này. Từ 2017, hãng này đã bán được 300.000 smartphone tại 5200 cửa hàng. Nhà máy của hãng có thể làm ra 25 triệu chiếc một năm, và đang có kế hoạch mở rộng để có thể đạt con số 100 triệu chiếc.
Vsmart đã ký kết hợp đồng với hãng BQ của Tây Ban Nha để bán 4 mẫu smartphone vào tháng 12. Theo đại diện của Vsmart, thì chất lượng là thứ được đặt nặng trong những sản phẩm của mình. "Vsmart sẽ phát triển theo hướng 'chia để trị', ra mắt nhiều sản phẩm chất lượng cao hơn đối thủ ở nhiều phân khúc khác nhau".
Vingroup - tập đoàn của chủ tịch Phạm Nhật Vượng có doanh thu lên tới 5.26 tỷ USD vào năm 2018, với lợi nhuận 6.2 nghìn tỷ VND. Theo Mike Lynch của SSI, Vingroup là một tập đoàn khá thú vị. "Nếu họ muốn tham gia thị trường nào thì họ sẽ làm bằng được". Anh cũng cho biết mình dĩ nhiên sẽ không ngại mua một trong những mẫu điện thoại làm ra bởi họ.
Người dùng Việt Nam vẫn chuộng sản phẩm nước ngoài
Nhiều chuyên gia so sánh xu hướng 'xính hàng ngoại' của Việt Nam với xu hướng tương tự đã diễn ra ở Trung Quốc khoảng 20 năm trước, khi thu nhập của người dân tăng lên. Tại Trung Quốc, xu thế này đã thay đổi khi nước này bắt đầu chọn hàng nội địa, một khi họ đã chắc chắn rằng những gì họ mua có chất lượng không thua kém những sản phẩm nước ngoài. Những smartphone của Huawei, OPPO và Xiaomi đang rất đắt hàng tại thị trường này.
Ông Brown chia sẻ: "Tôi cũng có thể thấy được điều này diễn ra ở Việt Nam, trong tương lai có thể nhiều người sẽ bắt đầu mua hàng 'Make in Việt Nam' để thể hiện lòng yêu nước."
Biển quảng cáo Galaxy S7 Edge tại Việt Nam, ngay bên ngoài nhà máy Samsung Bắc Ninh. Samsung đã xây dựng một 'khu công nghiệp tập chung' với 45.000 nhân công, rất nhiều nhà máy cung ứng tại một khu duy nhất giống với những gì họ đã làm tại Hàn Quốc. Cũng nhờ những nhà máy này mà Bắc Ninh phát triển rất nhanh, có tới 2000 cửa hàng và khách sạn được mở mới trong thời kỳ 2011 - 2015, nâng GDP vùng lên cao hơn 3 lần so với trung bình cả nước.
Những hãng trong nước hiện nay cũng tập trung mạnh vào thị trường smartphone giá rẻ - thu hút những người có thu nhập không cao. "Người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng và giá tiền của smartphone nhiều hơn là xuất xứ của chúng, và những điều họ quan tâm nhiều nhất đó là pin, camera, màn hình và hệ điều hành".
Link báo gốc: http://genk.vn/forbes-tai-sao-viet-nam-cu-co-gang-lam-smartphone-nhung-lai-khong-ban-duoc-20191116183428348.chn