Tính đến nay đã 8 tháng trôi qua, tuy nhiên chiếc máy này vẫn đang được công khai bán ra bởi nhiều cá nhân và đơn vị nhỏ lẻ tại Việt Nam. Dạo qua một vòng các diễn đàn mua bán sản phẩm công nghệ và mạng xã hội, người dùng hoàn toàn có thể sở hữu Galaxy Note7 với mức giá dao động trong khoảng từ 8-10 triệu đồng tùy tình trạng của máy. Những chiếc máy này chủ yếu đến từ các thị trường như Hàn Quốc hay Mỹ.
Hiện nay, Galaxy Note7 có rất nhiều phiên bản khác nhau. Bên cạnh việc phân biệt theo từng nhà mạng, quốc gia và số khe SIM hỗ trợ, thời gian gần đây trên thị trường còn xuất hiện thêm một phiên bản "Not for Sale" của Galaxy Note7. Nó còn được biết với một cái tên khác là Galaxy Note7 Developer, được Samsung sản xuất dành riêng cho các lập trình viên phát triển ứng dụng.
Chiếc máy này vẫn được trang bị đầy đủ các tính năng như Galaxy Note7 bản thương mại, tuy nhiên ở mặt lưng có một dòng chữ "Not for Sale" bị in chìm. Quan trọng nhất, phiên bản này chỉ có thể nhận tối đa 2 điểm cảm ứng (so với 10 điểm của phiên bản thương mại), khiến một số thao tác phức tạp trên màn hình như chơi game bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, mức giá của phiên bản này thường rẻ hơn từ 1-2 triệu. Lợi dụng việc không phải người dùng nào cũng đủ hiểu biết, một số "gian thương" đã tiến hành thay nắp lưng của phiên bản Not for Sale để hô biến nó thành phiên bản thương mại và bán với giá cao hơn. Không chỉ có vậy, việc thay nắp lưng cũng khiến cho máy mất đi khả năng chống nước, và người bán ra cũng thường vin vào lý do "máy cũ" để không cho phép người mua thử nhúng nước. Một vấn đề phổ biến hơn của những chiếc Galaxy Note7 trên thị trường hiện nay là pin. Như các bạn đã biết, Galaxy Note7 đã trải qua hai lần thu hồi, trong đó lần đầu tiên hồi tháng 9/2016 nhằm thay thế những chiếc máy nguyên bản với biểu tượng pin màu trắng thành máy "an toàn" với biểu tượng pin màu xanh, còn lần thứ hai diễn ra từ tháng 10/2016 cho đến nay nhằm thu hồi toàn bộ máy, bao gồm cả máy pin xanh. Vậy nên, trên thị trường hiện nay tồn tại cả hai loại máy pin trắng lẫn pin xanh. Những chiếc máy pin trắng sẽ có giá thấp hơn do được đánh giá là không "an toàn" bằng máy pin xanh.
Tuy nhiên, cả hai loại máy này đều có nguy cơ bị hạn chế sạc pin ở mức tối đa là 60%, hoặc thậm chí bị vô hiệu hóa hoàn toàn nếu như máy tự động cài bản cập nhật an toàn, khuyến khích người dùng hoàn trả máy của Samsung.
Mặc dù vậy, người dùng vẫn hoàn toàn có thể gỡ bỏ giới hạn này bằng cách cài đặt một bản ROM khác. Sau khi cài ROM mới, máy sẽ có khả năng sạc đầy 100% cũng như chặn các bản cập nhật của Samsung. Ngoài ra đối với các máy Galaxy Note7 với biểu tượng pin trắng, sau khi chạy bản ROM này, nó cũng sẽ biến thành pin xanh. Thủ thuật này không chỉ được sử dụng bởi người dùng, mà còn là các "gian thương" nhằm lợi dụng và đẩy giá sản phẩm lên cao hơn.
Tổng kết lại, vào thời điểm của bài viết này (cuối 5/2017), có thể coi đây là thời điểm tệ nhất để mua Galaxy Note7. Người dùng sẽ phải chịu rủi ro không chỉ đến từ chất lượng máy (thị trường chủ yếu là máy cũ, cộng thêm nguy cơ mua phải máy Not for Sale thay vỏ), mà còn là sự an toàn của tính mạng bản thân và những người xung quanh. Quan trọng hơn cả, chỉ trong một vài tuần nữa, Galaxy Note7 tân trang sẽ chính thức được bán ra với vấn đề về pin hoàn toàn được khắc phục, người dùng cũng có thể thoải mái cập nhật phần mềm và nhận được hỗ trợ từ hãng mà không phải "né tránh" như máy ở trên thị trường hiện nay. Mặc dù Galaxy Note7 tân trang sẽ không được bán chính hãng, nhưng cũng đã có nhiều hệ thống phân phối điện thoại xách tay cho biết máy sẽ về sớm về Việt Nam trong tháng 6 với giá khoảng 10-11 triệu đồng, không cao hơn nhiều so với giá máy trôi nổi hiện tại, nhưng lợi ích mà người dùng nhận được là lớn hơn hẳn. Vậy nên vào thời điểm này, nếu muốn sở hữu Note7, tốt hơn hết là bạn chớ nên hấp tấp và hãy kiên trì chờ đợi.