Game ký hiệu (18+) là gì, ai được chơi?

Theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng, quy định về phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi của người chơi có 4 loại: trò chơi điện tử trên mạng (game) 18+, 16+, 12+ và 00+.

Ngày 9/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP nhằm thay thế Nghị định 72/2013 và Nghị định 27/2018, siết chặt quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng. Một trong những điểm đáng chú ý chính là Phân loại trò chơi điện tử trên mạng theo độ tuổi người chơi (điều 38) trong Nghị định 147.

Theo đó, các trò chơi điện tử trên mạng (game) được phân theo 4 loại độ tuổi như sau:

Game dành cho người chơi từ 18 tuổi trở lên (ký hiệu là 18+) là trò chơi không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại khiêu dâm. Đối với trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu thì có sử dụng hình ảnh vũ khí cận cảnh, nhân vật mô phỏng người thật.

Game ký hiệu (18+) là gì, ai được chơi?- Ảnh 1.

Nhà phát hành sẽ phải dán nhãn theo từng loại độ tuổi phù hợp như: game 18+, game 16+

Game dành cho người chơi từ 16 tuổi trở lên (ký hiệu là 16+) là trò chơi không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người. Đối với trò chơi có hoạt động đối kháng, thì không có hình ảnh, hoạt động thể hiện tính chất bạo lực. Đây là giới hạn độ tuổi mới được bổ sung thêm so với các Nghị định trước đó.

Game dành cho người chơi từ 12 tuổi trở lên (ký hiệu là 12+) là trò chơi không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người. Đối với trò chơi có hoạt động đối kháng thì chỉ sử dụng các nhân vật hoạt hoạ mô phỏng hoặc không mô phỏng người thật hoặc chỉ sử dụng các trang thiết bị, phương tiện chiến đấu mà không có sự hiện diện của nhân vật mô phỏng người thật trong quá trình chơi, có sử dụng vũ khí dưới hình ảnh hoạt hoạ và hình ảnh vũ khí không nhìn được cận cảnh; tiết chế âm thanh và chạm của vũ khí khi chiến đấu.

Game dành cho mọi lứa tuổi (ký hiệu 00+) là trò chơi mô phỏng dạng hoạt hình; không có hoạt động đối kháng bằng vũ khí; không có hình ảnh, âm thanh ma quái, kinh dị, bạo lực; không có hoạt động, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại, hình ảnh nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.

Game ký hiệu (18+) là gì, ai được chơi?- Ảnh 2.

Các NPH game phải tuân thủ quy định mới kể từ ngày 25/12/2024 khi Nghị định 147 chính thức có hiệu lực

Bên cạnh đó, Nghị định 147 cũng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong việc phân loại trò chơi theo độ tuổi. Nếu phát hiện doanh nghiệp phân loại không phù hợp, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Sở Thông tin và Truyền thông địa phương có văn bản yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại việc phân loại trò chơi trong thời hạn 15 ngày. Nếu tiếp tục không điều chỉnh kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi như yêu cầu sẽ bị thu hồi giấy phép phát hành.

Ngoài ra, các NPH game phải có hệ thống kỹ thuật quản lý thời gian chơi game của người chơi dưới 18 tuổi. Mỗi tài khoản chỉ được phép chơi một trò chơi tối đa 60 phút/ngày và tổng thời gian chơi của tất cả các trò chơi không được vượt quá 180 phút theo Điều 39 của Nghị định về Cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng.

Để đảm bảo tuân thủ quy định, doanh nghiệp phát hành game phải thiết lập các hệ thống kỹ thuật nhằm kiểm soát thời gian chơi. Doanh nghiệp phải liên tục đưa ra cảnh báo về tác hại của việc chơi game quá thời gian quy định. Cụ thể, trên các diễn đàn của trò chơi và trên thiết bị, thông tin khuyến cáo "chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe" phải được hiển thị ở vị trí dễ nhìn thấy và phát thông báo 30 phút/lần trong suốt quá trình chơi.

Game ký hiệu (18+) là gì, ai được chơi?- Ảnh 3.

Người dưới 18 tuổi chỉ được chơi một trò chơi tối đa 60 phút/ngày, tổng thời gian chơi không quá 180 phút/ngày

Nghị định mới cũng yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ game phải lưu trữ và cập nhật đầy đủ thông tin cá nhân của người chơi tại Việt Nam. Những thông tin này bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh và số điện thoại di động của người chơi.

Việc xác thực tài khoản người chơi phải được thực hiện qua số điện thoại di động. Chỉ khi tài khoản được xác thực, người chơi mới có thể tham gia trò chơi. Đối với người chơi dưới 16 tuổi, thông tin phải được đăng ký bởi cha mẹ hoặc người giám hộ.

Khi đã có giấy phép cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp phát hành game phải tuân thủ các điều kiện nội dung. Các trò chơi không được mô phỏng trò chơi trong casino, sử dụng hình ảnh lá bài, hoặc chứa các nội dung miêu tả cụ thể về bạo lực, khiêu dâm, hoặc những hành vi trái với thuần phong mỹ tục.

Các vật phẩm ảo không được phép quy đổi thành tiền mặt hoặc thẻ trả trước và không được phép mua bán giữa những người chơi với nhau.