Một hệ sinh thái tương đối hoàn thiện giúp nâng tầm đội đỏ lên cao hơn cả Intel lẫn Nvidia trong cuộc đua về hiệu năng các thiết bị dành cho game thủ (ảnh minh họa)
Radeon RX 5700 và RX 5700XT ra đời gần như song song với dòng RTX 2000 SUPER do đó cả hai dễ dàng bị cho lên bàn cân để so sánh. Trong khi RTX 2000 SUPER chỉ đơn thuần là bản nâng cấp nhân xử lý đồ họa thì Radeon RX 5700 và RX 5700XT lại lách qua khe cửa hẹp để đến với một thế giới mà nó được chơi theo luật của riêng nó đó chính là giao thức PCIe 4.0. Thông qua chiếc Gigabyte Radeon RX 5700XT, chúng ta sẽ có cơ hội để soi mói kĩ hơn về chiếc card đồ họa đầy sự hứa hẹn này.
Cũng khá lâu sau khi cho ra mắt phiên bản reference (tham chiếu) thì các nhà sản xuất card đồ họa mới lục đục cho ra mắt các phiên bản custom của RX 5700 và RX 5700XT. Gigabyte RX 5700XT Gaming OC vẫn sử dụng chung thiết kế với những người anh em của mình. Một diện mạo không hề thay đổi trong suốt hơn 1 năm trở lại đây.
Gigabyte RX 5700XT Gaming OC có độ dày tổng thể là 2.5 slot, và sử dụng hệ thống 3 fan để làm mát, khá giống với người anh em cùng mẹ khác cha của mình là Gigabyte RTX 2070 SUPER Gaming OC. Cả 2 đều sử dụng thiết kế nguồn phụ gồm 1 chân 8 pin và 1 chân 6 pin. Điều này hoàn toàn có thể giúp Radeon xóa bỏ được định kiến của người dùng là card AMD thì nóng và tốn điện.
Tuy nhiên thì số lượng cổng xuất hình của Gigabyte RX 5700XT Gaming OC lại không có gì nổi bật với 3 cổng DP 1.4 và 1 cổng HDMI 2.0. Chẳng may mà game thủ nào sử dụng kính thực tế ảo (VR) lại sử dụng màn hình chỉ có cổng HDMI thì chắc chắn là chịu thua.
Bù lại, nhờ lợi thế về dẫn đầu công nghệ với giao thức PCIe 4.0 sở hữu băng thông cực lớn thì RX 5700XT lại có thế mạnh lớn… khi game thủ sử dụng với Ryzen 3000 series và bo mạch chủ chipset X570. Đây đúng là một khe cửa hẹp khi RX 5700 và RX 5700XT sinh ra không phải là dành cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, nếu xét về lâu dài, khi những bo mạch chủ tầm trung và giá rẻ của AMD tiếp tục được ra mắt, ví dụ như B550 chẳng hạn, thì RX 5700 và RX 5700XT thực sự sẽ là một đối thủ đáng gờm của đội xanh.
Một ví dụ nhỏ khi chúng tôi test game trên hệ thống AMD cũ với bo mạch chủ chipset X470 và vi xử lý Ryzen 5 2600X. Chúng tôi đã sử dụng tựa game được xây dựng trên nền thư viện đồ họa của AMD là Assassin’s Creeds: Odyssey. Kết quả benchmark với RX 5700XT không quá vượt trội so với một cấu hình cũng gần tương tự sử dụng RTX 2060 SUPER.
Dù Gigabyte Radeon RX 5700XT Gaming OC không phải là chiếc card dành cho mọi game thủ. Tuy nhiên với những fan của đội đỏ đã kịp nâng cấp lên bo mạch chủ X570 và CPU Ryzen 3000 thì đây vẫn là một sự lựa chọn vô cùng thích hợp bởi khi cả một hệ sinh thái được kết hợp lại với nhau thì chiếc PC gaming này có tiềm năng vô cùng lớn để gồng gánh mọi trải nghiệm chơi game.