Ít nhất một lần trong đời, bạn sẽ phải tự hỏi mình: Học đại học để làm gì? Mình có nhất thiết phải học đại học hay không? Trên thực tế, mỗi trường đại học đều đóng hai vai trò chính là một cơ sở đào tạo và một cơ sở nghiên cứu.
Nếu coi đại học là cơ sở nghiên cứu, thì nó sẽ giúp bạn trở thành nhà khoa học để tạo ra tri thức mới. Nhưng nếu coi đại học là cơ sở đào tạo, thì rốt cuộc bạn học là để ra trường làm việc, trở thành người lao động trình độ cao đáp ứng cho nhu cầu của xã hội.
Trong số các tổ chức xã hội cần nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp chiếm đại đa số. Nếu mục đích học đại học của bạn là để ra trường và làm cho các doanh nghiệp, vậy thì một số công ty bây giờ bắt đầu nghĩ rằng, họ không cần bằng đại học nữa.
Lý do vì chương trình đại học đã lạc hậu so với tốc độ phát triển của thị trường và đòi hỏi năng lực từ phía các doanh nghiệp. Nhiều công ty tiếp tục phải đào tạo lại nguồn nhân lực đã tốt nghiệp đại học để đáp ứng công việc của mình.
Việc học đại học khi đó có vẻ vừa tốn tiền vừa tốn thời gian. Có nhiều doanh nghiệp đã tự mở các khóa đào tạo ngắn hạn, giá rẻ hoặc thuê các bên thứ ba đào tạo nguồn nhân lực mà không cần thông qua trường đại học.
Điển hình như gã khổng lồ công nghệ Google, mới đây họ thông báo bắt đầu chấp nhận Chứng chỉ Học tập của Google ( Google Learning Certificates ) có thể thay cho bằng đại học. Các chứng chỉ này là khóa học kéo dài 6 tháng trong một số lĩnh vực mà Google trực tiếp xây dựng chương trình và đào tạo như: Phân tích dữ liệu, quản trị dự án, UX design, hỗ trợ IT.
"Mô hình đào tạo đại học đang lỗi thời so với tốc độ phát triển công nghệ", Kent Walker, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề doanh nghiệp của Google cho biết.
Bạn thậm chí không cần bằng cấp vẫn có thể tham gia các khóa học và nhận Chứng chỉ Học tập của Google. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi chưa tốt nghiệp cấp ba bạn vẫn có thể học được.
Google cho biết khóa học sẽ được cung cấp trên nền tảng Coursera, với mức phí chỉ 49 USD/tháng, tương đương 1,1 triệu VNĐ. Cả khóa học 6 tháng khi đó chỉ mất khoảng 300 USD, tương đương 6,9 triệu VNĐ, nhỉnh hơn một chút so với học phí của một kỳ học đại học ở Việt Nam, rẻ hơn nhiều so với mức học phí ở Mỹ mà nhiều người dân Mỹ cũng không thể chi trả.
Mặc dù vậy, cơ hội việc làm với chứng chỉ này được Goolge đánh giá tương đương so với bằng đại học. "Thứ gì sẽ thay thế tấm bằng đại học?", Kent Walker thông báo qua Twitter.
Google hứa hẹn mức lương mà bạn có thể nhận sau khi hoàn thành khóa học và được tuyển dụng nằm trong khoảng 54.000 đến 93.000 USD/năm. Mức lương cao nhất ở vị trí quản lý dự án lên tới 2,1 tỷ VND/năm, không cần bằng đại học.
Chứng chỉ Nghề nghiệp của Google không yêu cầu bằng cấp đại học.
Mô hình đào tạo đại học đang lỗi thời so với tốc độ phát triển công nghệ
Theo một khảo sát của công ty xếp hạng tín dụng Fitch Ratings Group, tỷ lệ nhập của các trường đại học ở Mỹ trong học kỳ này có thể giảm tới 20% và đó không phải chỉ là tác động của COVID-19. Bloomberg cho biết, Đại học Harvard đang phải đối mặt với việc sụt giảm doanh thu 415 triệu USD trong năm 2020 và dự đoán con số cho năm 2021 sẽ còn cao hơn, 715 triệu USD.
Vào cuối năm ngoái, chỉ có dưới 18 triệu người Mỹ đăng ký học đại học, giảm hơn 2 triệu so với mức cao nhất vào năm 2011, theo Trung tâm Nghiên cứu Sinh viên Quốc gia Clearinghouse. Trong 8 năm qua, tỷ lệ nhập học trên toàn nước Mỹ cũng đã giảm khoảng 11% ở mọi lĩnh vực, từ các trường công lập, trường cao đẳng cộng đồng cho đến trường tư thục.
Một cuộc khảo sát vào tháng 4 của công ty nghiên cứu cấp cao Simpson Scarborough cho thấy 10% học sinh cuối cấp trung học tại Mỹ sẽ không theo học tại một cơ sở giáo dục 4 năm.
Những số liệu này đi cùng với một thực tế rằng chương trình giảng dạy đại học truyền thống đang có độ vênh về thời gian so với sự phát triển của thị trường. Nếu bỏ ra cả 4 năm học đại học, vào thời điểm sinh viên nhận bằng tốt nghiệp, thị trường có thể đã thay đổi rất nhiều, nhất là thị trường công nghệ.
Các chương trình giảng dạy trong trường đại học không được cập nhật kịp so với xu thế phát triển có thể cho ra lò những lứa sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Ngược lại, khi đứng ở góc nhìn của sinh viên, dành 4 năm trên giảng đường chỉ để nhận tấm bằng, ra trường thất nghiệp và nhận ra rằng công nghệ và thị trường đã thay đổi là một sự lãng phí cả về mặt thời gian lẫn tiền bạc.
Dawn Lerman, nguyên phó hiệu trưởng trường Đại học Fordham, New York cho biết môi trường học thuật nổi tiếng là chậm thay đổi. Ngược lại trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thị trường lại phát triển rất nhanh. Một số người - cả những nhà tuyển dụng và học sinh bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu họ có cần mất 4 năm học đại học hay không?
Trong ngành công nghiệp công nghệ, có một số ví dụ điển hình về các nhà lãnh đạo đã bỏ học mà vẫn đạt được thành công đáng chú ý như Steve Jobs, Bill Gates, Michael Dell và Mark Zuckerberg.
Ngoài ngành công nghệ thì có Oprah, Giám đốc điều hành Whole Foods, John Mackey, Ralph Lauren và Wolfgang Puck. Điển hình,Wolfgang Puck thậm chí đã nghỉ học từ năm 14 tuổi và bắt đầu sự nghiệp của mình trong nhà bếp của một khách sạn.
Bạn có thể cho rằng đó chỉ là những ngôi sao cá biệt trong lĩnh vực nghề nghiệp của họ. Nhưng có một xu thế phát triển hiện nay cho thấy bằng đại học thực sự không còn quan trọng như trước nữa.
Trong thông báo mới của mình, Google cho biết họ đã tự xây dựng các chương trình chứng chỉ nghề nghiệp để tự đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhanh cho mình. Học sinh chỉ mất khoảng 6 tháng để có được một chứng chỉ mà đối với Google, nó tương đương bằng đại học 4 năm.
Trong báo cáo của Google về khóa học chứng chỉ Công nghệ thông tin của họ, 61% học viên tham gia không có bằng đại học. Nhưng họ vẫn hoàn thành chương trình trong vòng chưa đầy 6 tháng và kiếm được mức lương trung bình hàng năm là 54.760 USD, tương đương 1,2 tỷ VND.
Không có bằng đại học có vẻ như không còn là trở ngại trong các lĩnh vực công nghệ thông tin. Nói trắng ra, với Google bằng đại học chỉ có giá trị ngang với chứng chỉ 6 tháng mà họ tự đào tạo với mức học phí gần 7 triệu VND.
Trước Google, Microsoft cũng đã khởi động một sáng kiến toàn cầu nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn của 25 triệu người lao động. Công ty sẽ kết hợp các nguồn lực từ LinkedIn, GitHub và Microsoft để cung cấp một Chứng chỉ Microsoft (Microsoft Certifications).
Sáng kiến của Microsoft thậm chí còn vượt xa chương trình học thuật. Dự án của họ tính đến cả dữ liệu thị trường lao động theo thời gian thực để biết ngành nào đang cần nhân lực để đào tạo.
Do đó, dự kiến các khóa học cấp Chứng chỉ Microsoft trong thời gian tới sẽ tập trung vào các ngành: Phát triển phần mềm, Quản trị công nghệ thông tin, Phân tích dữ liệu, Phân tích tài chính, Thiết kế đồ họa, Quản lý dự án…
Ngoài các gã khổng lồ công nghệ như Google và Microsoft, các ngành công nghiệp phi kỹ thuật cũng đang thấy được thông điệp. Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) vừa khởi động một chương trình giáo dục trực tuyến với các công ty American Eagle Outfitters, Gap và Levi Strauss để thu hút những người trẻ có tham vọng cống hiến và thăng tiến trong ngành bán lẻ.
Chương trình kéo dài 8 tuần có tên gọi là RISE cho phép người tham dự học hỏi trực tiếp kiến thức từ những gã khổng lồ bán lẻ. Các buổi học được cam kết sẽ mang lại "" trong lĩnh vực này.
Và khi nói đến các khóa học ngắn hạn trực tuyến thì không thể không kể đến các nền tảng như Coursera cung cấp các khóa học online mở với số lượng lớn (MOOC). Hiện Coursera đang cung cấp hơn 4.500 khóa học MOOC với 160 đối tác đại học.
Đáng ngạc nhiên, 25% doanh thu của họ đến từ các doanh nghiệp với các khóa học đào tạo liên tục cho 2.500 công ty và lĩnh vực kinh doanh này của họ vẫn tăng trưởng 70% qua từng năm. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp đang tìm kiếm một nguồn đào tạo nhân lực mạnh mẽ và hiệu quả hơn các trường đại học.
Họ thực sự không thể chờ đợi nguồn nhân lực tương lai của mình học hết 4 năm. Theo tính toán của Microsoft, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu vào năm 2020 có thể lên tới 1/4 tỷ người do quá trình tự động hóa và gián đoạn liên quan đến đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, họ ước tính trong vòng 5 năm tới sẽ vẫn có thêm 149 triệu công việc mới liên quan đến công nghệ, tập trung trong các lĩnh vực như phát triển phần mềm, phân tích dữ liệu, an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư.
Bây giờ, khi tất cả các ngành công nghiệp đang trải qua sự gián đoạn do đại dịch và quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, các trường đại học cần thấy rằng họ phải thay đổi hoặc sẽ bị thay thế bởi các chương trình đào tạo bên ngoài, được xây dựng bởi chính các doanh nghiệp hoặc nền tảng học trực tuyến.
Thay đổi chắc chắn là cần thiết đối với các đại học để có thể đáp ứng được cả nhu cầu từ phía thị trường lao động và sinh viên, những người sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xã hội trong tương lai.
Tham khảo Google, Medium David Leibowitz