Google Maps mới đây đã bổ sung tính năng giúp hiển thị tốc độ di chuyển của người dùng ngay trên ứng dụng điều hướng của mình, điều mà Waze đã cung cấp trước đó. Tuy nhiên, khi sử dụng dịch vụ điều hướng, có một điểm chung mà nhiều người có thể nhận ra là tốc độ hiển thị trên chúng thường thấp hơn so với đồng hồ tốc độ trên bảng điều khiển của ô tô.
Lý do nào giải thích cho sự khác biệt này, và chỉ số nào chính xác hơn so với thực tế? Và chúng ta nên nhìn vào chỉ số tốc độ của ứng dụng điều hướng hay đồng hồ trên xe để đảm bảo tuân thủ giới hạn và tránh bị cơ quan chức năng xử phạt vì chạy quá tốc độ.
Điều đầu tiên mà người dùng cần biết là sự khác biệt nói trên bắt nguồn từ một chức năng được tính toán trước đó mà không phải là lỗi. Chức năng này được thiết lập dựa trên một luật liên quan đến đồng hồ đo tốc độ và đồng hồ đo quãng đường của Liên Hợp Quốc. Theo quy định, tốc độ chỉ báo (tức chỉ số tốc độ trên đồng hồ xe) không được thấp hơn tốc độ thực tế của xe, có nghĩa là những gì hiển thị trên bảng điều khiển của xe phải tương ứng với tốc độ thực tế hoặc cao hơn một chút, nhưng không bao giờ được thấp hơn.
Để rõ hơn, chúng ta hãy nhìn vào công thức được quy định như sau: mối quan hệ giữa tốc độ được chỉ định (V1) và tốc độ thực tế (V2) sẽ là 0 ≤ (V1 – V2) ≤ 0,1 V2 + 4 km/h. Trong số này, (0,1 V2 + 4 km/h) là quy định tại Châu Âu nên có thể thay đổi tùy thuộc vào quy định tại mỗi quốc gia hoặc khu vực. Nếu con số công thức khó hiểu, mọi người có thể hiểu đơn giản là “sai số tối đa của đồng hồ tốc độ xe so với tốc độ thực tế là 10% + 4km/h”. Vì vậy, nếu chúng ta thực sự đi với tốc độ 100km/h, đồng hồ tốc độ có thể hiển thị 100km/h hoặc đưa ra con số lên đến 104km/h.
Chỉ số tốc độ di chuyển của Google Maps hay Waze được cho là chính xác hơn đồng hồ ô tô.
Kết quả là, chỉ số tốc độ trên đồng hồ của xe sẽ luôn bằng hoặc nhanh hơn so với tốc độ di chuyển thực tế. Việc các nhà làm luật đưa ra yêu cầu này nhằm đảm bảo sự an toàn. Khi các tài xế chú ý đến tốc độ di chuyển hiển thị trên đồng hồ ô tô, họ sẽ cảm nhận mình có thể đang đi quá tốc độ giới hạn của tuyến đường và phải điều chỉnh đi chậm lại nhằm tuân thủ luật pháp, vừa tránh bị phạt nguội và đảm bảo sự an toàn khi lái xe.
Với những ứng dụng điều hướng như Google Maps và Waze, chỉ số tốc độ di chuyển không phải tuân theo quy định của Liên Hợp Quốc. Thay vào đó, chúng tính toán tốc độ di chuyển của người dùng bằng dữ liệu tín hiệu định vị GPS, vốn dựa vào sự thay đổi về vị trí địa lý trong một khoảng thời gian nhất định. Mặc dù không phải là không xảy ra lỗi nhưng các đánh giá cho thấy dữ liệu thu thập này có chỉ số sai lệch thấp hơn so với đồng hồ tốc độ của xe, dẫn đến con số chính xác hơn.
Dĩ nhiên, đó chỉ là dựa vào các tính toán lý thuyết bởi việc phạt quá tốc độ hay không vẫn còn phụ thuộc vào máy đo tốc độ mà các cơ quan chức năng sử dụng.