Hàng triệu người Ấn Độ đã tải Remove China Apps để tẩy chay phần mềm Trung Quốc. Theo CNN, ứng dụng này không còn xuất hiện trên Google Play Store vào ngày 3/6, chưa đầy 2 tuần sau khi ra mắt. Quan hệ của hai quốc gia trở nên căng thẳng trong vài tuần gần đây vì vấn đề biên giới.
One Touch App Labs, nhà phát triển ứng dụng, khẳng định đây là công cụ hỗ trợ “Ấn Độ tự lực” bằng cách xác định nguồn gốc của các chương trình cài đặt trên điện thoại. Remove China Apps vi phạm chính sách của Play Store, đó là cấm các sản phẩm “khuyến khích hay kích động” mọi người xóa hay vô hiệu hóa ứng dụng khác.
Theo hãng phân tích Sensor Tower, Remove China Apps được tải về hơn 4 triệu lần trước khi bị hạ. Tại Ấn Độ, gần 160.000 người dùng đánh giá 5 sao trên Play Store. Tuy nhiên, theo một số người, nó không hoàn toàn thành công trong việc phát hiện ứng dụng từ các nhà phát triển Trung Quốc. Chẳng hạn, người dùng Sridhar Toopurani cho biết nó không phát hiện được Mi Video và Helo. Mi Video là ứng dụng streaming của Xiaomi, còn Helo là nền tảng mạng xã hội của ByteDance. PUBG, tựa game phổ biến của Tencent, cũng không bị nhận diện.
Tuy căng thẳng leo thang, Trung Quốc và Ấn Độ lại có quan hệ làm ăn lâu dài. Trong 3 tháng đầu năm nay, Xiaomi và Vivo là hai hãng smartphone hàng đầu tại Ấn Độ, chiếm hơn một nửa thị trường, theo Canalys. Samsung xếp thứ ba, tiếp đến là Realme và Oppo, cũng của Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ còn cho phép Huawei tham gia thử nghiệm 5G, điều mà các quốc gia khác còn dè dặt.
Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đổ nhiều tiền vào một số startup lớn nhất của Ấn Độ. Alibaba chống lưng cho công ty thanh toán Paytm, Tencent là nhà đầu tư của nền tảng giao đồ ăn Swiggy, Didi Chuxing lại rót vốn vào ứng dụng gọi xe Ola.