Trong năm qua, một trong những sản phẩm RAM thành công vang dội bậc nhất trên thế giới chính là dòng sản phẩm TridentZ của G.Skill với thiết kế đẹp mắt, đặc biệt là dàn đèn LED RGB đổi màu cực ấn tượng. Tiếp sau sự thành công rực rỡ của dòng sản phẩm này thì hồi giữa năm 2017 vừa rồi, G.Skill lại tung ra TridentZ mới, không những vô cùng đẹp mắt mà còn có sức mạnh đáng nể, không thua kém chút gì so với .
Được biết, bộ RAM này được tung ra để đón đầu thế hệ chipset X299 của Intel, TR4 Threadripper của AMD và gần đây nhất là Z370 Coffee Lake của Intel với những mẫu chip xử lý phổ thông nhưng có tới 6 nhân 12 luồng xử lý, cực mạnh mẽ ngay cả với đối trọng Ryzen và thậm chí là "anh em" Skylake X.
Phiên bản RAM mà chúng tôi đang có ở đây là bộ kit DDR 4 32GB với xung nhịp lên tới 3600 MHz, cực khủng. Ở thời điểm hiện tại trên thị trường, những bộ kit RAM như thế này được bán tại các cửa hàng phần cứng máy tính với giá không dưới 11 đến 12 triệu Đồng. Với độ trễ 16-16-16-36, thật sự rất hiếm có những bộ RAM với bus đã cao lại còn có độ trễ thấp như thế này. Nếu đây không phải siêu phẩm, thực sự chúng tôi cũng không biết nên gọi là gì.
Về cơ bản bộ kit G.Skill Trident Z DDR4 3.600 MHz C16Q 32GB gồm 4 thanh dung lượng 8GB mỗi thanh. Tựa như những dòng sản phẩm bộ nhớ RAM hiệu năng cao từng sản xuất, bộ kit RAM DDR4 G.Skill mới cũng được trang bị lớp nhôm tản nhiệt lớn, bao phủ toàn bộ diện tích mặt ngoài mỗi thanh RAM, hứa hẹn khả năng làm mát nhanh, nhằm bảo đảm hiệu suất khi hoạt động ở xung nhịp cao.
So sánh với phiên bản cũ mà chúng tôi từng có dịp giới thiệu cũng như đem tới cho các bạn độc giả những đánh giá chi tiết, thì bên cạnh việc sử dụng Bdie Samsung cao cấp, cho phép ép xung và nâng bus, giảm độ trễ RAM một cách vô cùng ổn định ra, thì lớp vỏ nhôm xước được phủ một lớp sơn xám khác hẳn với phiên bản năm 2016 chỉ có kim loại không được xử lý màu sắc.
Với tông màu đen xám và thanh nhựa cố định hai bên tản nhiệt nhôm được gia công rất chắc chắn, phiên bản 2017 của G.Skill Trident Z chắc chắn và đẹp mắt hơn nhiều cả hai mẫu RAM Trident Z và Trident Z RGB. Phiên bản không có đèn LED thì không thể có tông màu ngầu như thế này, còn phiên bản RGB thì bị phàn nàn là dù đèn LED hết sức ấn tượng, thế nhưng dải đèn tích hợp ngay miếng nhựa trên nóc thanh RAM được lắp khá lỏng lẻo.
Bên cạnh khả năng hoạt động khủng khiếp, thách thức những xung nhịp cao nhất mà bạn có thể OC lên được, thì rõ ràng bộ cánh của 4 thanh RAM này cũng tương xứng với số tiền mà bạn bỏ ra để rước nó về nhà. Bằng chứng là khi lắp chung với chiếc mainboard MSI Z370 Gaming Pro Carbon AC dưới đây, tông màu không thể lệch đi đâu được vì bản thân chiếc bo mạch chủ đã có tông màu đen điểm xuyết những chi tiết tản chipset kim loại y hệt như cách mà G.Skill thiết kế RAM của họ:
Điểm trừ nhè nhẹ của mẫu RAM này là ngoài chiếc hộp bằng nhựa dẻo và hai cái sticker G.Skill khá đẹp mắt ra, hoàn toàn không có bất kỳ phụ kiện nào chống sốc hay va đập, dù đây là một sản phẩm high end hết sức cao cấp mà G.Skill tạo ra phục vụ nhu cầu HEDT hay những game thủ sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu Đồng trang bị cho bản thân một bộ máy tính chơi được mọi game đỉnh trên đời.
Để thử nghiệm hiệu năng, chúng tôi sử dụng cấu hình máy tính như sau:
CPU Intel Core i5 8600K overclock 4.9GHz
Mainboard Asus Z370 TUF Gaming Pro
Card đồ họa MSI GTX 1080 Gaming X
SSD: Kingston SSDNow V3 240GB (Windows), Kingston UV400 480GB (Game)
RAM: G.Skill TridentZ F4-3600C16Q-32GTZKK 32GB 4x8GB
Nguồn máy tính: Corsair CX650M
Tản nhiệt CPU: Corsair H115i
Dĩ nhiên chúng tôi muốn chơi game ngay lập tức để xem TridentZ xử lý game mạnh cỡ nào, thế nhưng không thể bỏ qua những công cụ benchmark đánh giá tốc độ của một bộ RAM. Khởi động máy, sử dụng XMP 2.0, rất dễ dàng chọn profile RAM 3600MHz với độ trễ CL16 mà không cần tùy chỉnh bất kỳ thứ gì về voltage cầu kỳ cả. Giờ đây đúng là ai cũng có thể tự overclock máy để chạy cho khỏe. Bắt đầu là AIDA64 Extreme với 3 phép thử Read, Write, Copy: Read: 49412 MB/s. Write: 53395 MB/s. Copy: 47660 MB/s.
Điểm số như thế này xếp kit RAM F4-3600C16Q vào hàng một trong số những kit bộ nhớ trong khủng nhất, vượt qua chính Trident Z 3200 CL14 mà chúng tôi đã có dịp đánh giá tới các bạn độc giả vào năm 2016. Giờ đã đến lúc chơi game. Khởi động Playerunknown's Battlegrounds, dù rằng ăn CPU và card đồ họa nhưng bản thân tựa game chưa được tối ưu này cũng ngốn RAM không kém vì các bom tấn hiện tại, và với bộ RAM này, tốc độ khung hình ở thiết lập đồ họa High - Ultra với GTX 1080 và độ phân giải 2560 x 1080 luôn đạt ngưỡng từ 95 đến 144 FPS. Các bạn có thể xem vài bức hình screenshot game dưới đây:
Kế đến là tựa game hành động thế giới mở mới được ra mắt, Assassin's Creed Origins. Chúng tôi đã từng thử nghiệm tựa game này trong bài test với CPU và card đồ họa để so sánh giữa Vega 64 và GTX 1080, kết quả thực sự vô cùng khả quan khi ở chế độ đồ họa Ultra không hạ bất kỳ tùy chọn nào xuống, game vẫn ổn định 65 đến 85 FPS:
Hitman, một tựa game nặng chẳng thua kém gì PUBG vì mỗi màn chơi có rất nhiều nhân vật cùng xuất hiện. Tốc độ khung hình khi không stream và khi đang stream lên YouTube không có khác biệt, ngay cả khi đẩy chất lượng đồ họa của tựa game bom tấn này lên ngưỡng Ultra, luôn nằm ở mức 90 đến 120 FPS phụ thuộc khu vực có đông người hay không. Ngay cả ở một cảnh game trong khán phòng có cả trăm người, FPS vẫn hơn 100, và khi stream game, tài nguyên máy không phải chia sẻ để làm cùng lúc 2 tác vụ, dẫn tới trải nghiệm game mượt nhất có thể cho các streamer:
Ngoài việc có bao bì chưa thật sự "chất" và mức giá cao (kỳ thực thời điểm này RAM nào cũng đang đội giá do các hãng chuyển qua sản xuất chip nhớ cho điện thoại thay vì cho máy tính), thì rõ ràng Trident Z của G.Skill vẫn đang giữ vững nội lực, là một trong số những sản phẩm high end có chất lượng tốt nhất và cao cấp nhất ở làng game Việt hiện tại.