Theo Science Alert, nghiên cứu mới tập trung vào những ngôi sao lùn trắng đặc biệt. Khi những ngôi sao như Mặt Trời cạn năng lượng, chúng sẽ bùng lên thành sao khổng lồ đỏ, và sau đó sụp đổ thành một vật thể nhỏ bé bằng Trái Đất, nhưng nặng trung bình đến 1,4 lần Mặt Trời.
Nhưng đôi khi các nhà khoa học bắt gặp dạng sao lùn trắng kỳ lạ, chỉ bằng 1/8-1/3 khối lượng Mặt Trời, giống như bị một quái vật nào đó hút rỗng ruột. Chúng được gọi là ELM. Điều này phá vỡ hoàn toàn các lý thuyết thiên văn trước đó, bởi để một ngôi sao mất đi khối lượng nhiều đến vậy, nó cần một thời gian dài hơn nhiều tuổi thọ 13,8 tỉ năm hiện tại của vũ trụ. Vì vậy ELM như đến từ một vũ trụ khác già hơn, gây nỗi khó hiểu lớn cho các nhà khoa học.
Sử dụng dữ liệu từ 2 siêu kính viễn vọng Gaia và Zwicky, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Kareeem El-Bardry từ Trung tâm Vật lý thiên văn Havard & Smithsonian đã lựa chọn ra 50 sao lùn trắng ở giai đoạn đang biến đổi. Sau đó nhờ vào Kính thiên văn Shane tại Đài quan sát Lick, họ tiếp tục chọn ra 21 ngôi sao thuận lợi để quan sát nhất.
Trước đó, các nhà khoa học đã nhận thấy sao lùn trắng trong hệ sao đôi thường là "ma cà rồng", liên tục hút vật chất từ người bạn đồng hành cho đến khi cả 2 cùng nổ tung, một bên vì cạn kiệt, một bên "vỡ bụng".
Tuy nhiên lần này, các nhà thiên văn đã quan sát được một quá trình đảo ngược: một số sao lùn trắng khi đạt đến độ "no" nhất định nhưng chưa kịp bùng nổ đã bị ngôi sao đồng hành... ăn thịt ngược lại. Ngôi sao đồng hành đôi khi quá mạnh mẽ nên khiến sao lùn trắng bị mất nhiều vật chất còn hơn số chúng đã hút được, biến thành một bóng ma thực sự - một xác chết sao cực nhẹ.
Nghiên cứu vừa công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.