Vấn đề hình thể luôn là thứ được nhiều người quan tâm, thậm chí có nhiều chị em còn cố giảm béo bằng nhiều phương pháp như nhịn ăn, uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, tác dụng với các dạng viên uống, viên sủi, cao, trà... với hy vọng giảm cân cấp tốc.
Hiện tại trên thị trường đang có rất nhiều các loại thuốc, thực phẩm chức năng với các tác dụng được quảng cáo rất thần thánh như "hỗ trợ giảm cân cấp tốc, giảm cân nhanh chóng từ 10kg - 15kg, giảm eo.
Gần đây, trên mạng xã hội TikTok tràn ngập các video quảng cáo sản phẩm Body Beauty Slim đang có dấu hiệu "thổi phồng" công dụng. Nó được quảng cáo với những công dụng như “thần dược", “bay vèo vèo 8kg - 15 kg mỡ thừa”, “không cần ăn kiêng - nhịn ăn”, "ai cũng có thể dùng được"...
Các quảng cáo ngập tràn trên TikTok
Giảm ngay sau 1 liệu trình
Trong các video quảng cáo trên TikTok, Facebook hay là cả YouTube... rất nhiều diễn viên, nghệ sĩ, người nổi tiếng đua nhau "thổi phồng" công dụng của viên sủi giảm cân Body Beauty Slim với các thành phần giúp "giảm cân nhanh chóng", "giảm mỡ thừa" và đặc biệt là "chỉ sau vài tháng sử dụng".
Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì sản phẩm Body Beauty Slim được Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cấp xác nhận quảng cáo số 3668/2020/XNQC-ATTP ngày 12/11/2020, cho Công ty TNHH MIHACO Việt Nam (Số 8 Dãy D1 Khu giãn dân Yên Phúc, Phường Phúc La, Quận Hà Đông, TP.Hà Nội), người đại diện pháp luật của công ty là ông Vũ Văn Minh. Sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chỉ có công dụng hỗ trợ giảm béo chứ không hề có những công dụng "thần kỳ" giúp giảm thần tốc tới "vài chục cân" như trong quảng cáo.
Đặc biệt, quá trình cấp phép, Cục ATTP khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc; không dùng cho người mẫn cảm với thành phần của sản phẩm, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, người có tiền sử bị bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường…
Thế nhưng trong các quảng cáo nói trên và rất nhiều quảng cáo khác trên các nền tảng mạng xã hội, không hề nhắc đến những khuyến cáo này mà chỉ nói những từ ngữ ngoài nội dung cho "giảm cân nhanh chóng". Tất cả những nội dung quảng cáo trên đều có dấu hiệu lừa dối, hướng tới mục đích "thổi phồng" chất lượng của sản phẩm.
Theo Mục b, Khoản 3, và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012, các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: "Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế".